Dù vậy, so với tài nguyên dồi dào, ẩm thực Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn trên “bản đồ ẩm thực” thế giới. Việc đưa ẩm thực trở thành thương hiệu quốc gia là thực sự cần thiết và cần được thực hiện bài bản để khai thác nguồn lợi...
Quảng bá phở Việt Nam tại Lễ hội “Thu Hà Nội - Đến để yêu”, tháng 9-2023. Ảnh: Hoàng Quyên
Định vị rõ thương hiệu
Ẩm thực Việt Nam đã có rất nhiều món ăn trở thành biểu tượng, khiến cho du khách đều muốn thưởng thức như: Phở, bánh mì, cà phê trứng, nem... Sự phong phú, đa dạng về nguồn thực phẩm cùng cách thức chế biến đa dạng ở từng vùng, miền đã mang đến cho Việt Nam văn hóa ẩm thực phong phú và hấp dẫn. Có lẽ vì thế mà nhà marketing nổi tiếng thế giới Philip Kotler đã đưa ra lời nhận xét: Việt Nam nên là “bếp ăn của thế giới”.
Những năm gần đây, với sự quảng bá du lịch mạnh mẽ, ẩm thực Việt Nam đang dần tạo dấu ấn riêng. Cuối năm 2022, Giải thưởng Ẩm thực thế giới (thuộc hệ thống Giải thưởng Du lịch thế giới World Travel Awards) đã vinh danh Việt Nam là “Điểm đến ẩm thực tốt nhất châu Á 2022”, vượt qua các tên tuổi khác trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan...
Bên cạnh đó, nhiều tạp chí, chuyên trang du lịch ẩm thực nổi tiếng cũng dành lời ngợi khen cho ẩm thực Việt. Gần đây nhất, vào đầu năm 2023, chuyên trang du lịch Travel and Leisure của Mỹ đã vinh danh Việt Nam là “Điểm đến ẩm thực hàng đầu khu vực châu Á trong hành trình du lịch năm 2023”.
Còn chuyên trang du lịch nổi tiếng The Travel (Canada) cũng công bố danh sách 10 quốc gia có nền ẩm thực hấp dẫn hàng đầu thế giới, trong đó Việt Nam đứng ở vị trí thứ 5 trong danh sách bình chọn từ độc giả. Trước đó, Phở Việt Nam cũng được tôn vinh trên công cụ tìm kiếm Google Doodle vào ngày 12-12-2021.
Đánh giá về tiềm năng của ẩm thực Việt trong việc thu hút du khách, quảng bá du lịch, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu cho rằng, các món ăn của nước ta có sức hút lớn, là một trong những lý do khiến du khách muốn đến và quay lại để khám phá, trải nghiệm. Việc được vinh danh, đánh giá cao bởi các tổ chức, truyền thông và chuyên gia quốc tế cho thấy, ẩm thực Việt đang dần khẳng định thương hiệu.
Hướng đến nền công nghiệp ẩm thực
Mặc dù đã định vị thương hiệu ở một số món ăn nhưng theo nhiều chuyên gia, ẩm thực Việt Nam có chỗ đứng còn khiêm tốn trên “bản đồ ẩm thực" thế giới và chưa phát huy được hết thực lực.
Chia sẻ về vấn đề này, nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Thị Ánh Tuyết cho rằng, ẩm thực Việt Nam có nguồn nguyên liệu tươi, dồi dào nhưng các món ăn đang được nhiều du khách biết đến đa số là món ăn đường phố, ăn tại chỗ như bánh mỳ, phở, bún bò Huế, nem... Việt Nam có nhiều món ăn cao cấp có thể nâng lên thành nghệ thuật nhưng khâu quảng bá chưa được chú trọng, thiếu chỉ dẫn những địa chỉ uy tín cho du khách.
Còn theo Tổng Thư ký Hội đầu bếp Việt Nam Nguyễn Xuân Quỳnh, Việt Nam chưa có một nền công nghiệp chế biến thực phẩm mạnh trong khi nguồn nguyên liệu vô cùng dồi dào. Vì thế, ẩm thực mới chỉ khai thác tại chỗ, chưa được xuất khẩu và khó làm thương hiệu ở các nước khác.
Cuối tháng 9 vừa qua, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam đã hoàn tất giai đoạn I Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia” với việc trao chứng nhận cho 121 món ăn tiêu biểu của từng địa phương, đồng thời công bố giai đoạn II-2023 của đề án. Danh sách giai đoạn I có 47 món miền Bắc, 37 món miền Trung và 37 món miền Nam. Thủ đô Hà Nội có 4 món ăn được vinh danh trong danh sách này, đó là: Phở Hà Nội, bún ốc (bún ốc nguội, bún ốc nóng), cốm làng Vòng (bánh cốm, chè cốm, xôi cốm, chả cốm), bún thang.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam Nguyễn Quốc Kỳ, Đề án có mục tiêu khảo sát, thu thập dữ liệu nhằm xây dựng “Tổng tập 1.000 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam” và tiến hành chuyển đổi số cơ sở dữ liệu đó thành “Bản đồ trực tuyến ẩm thực Việt Nam” và “Bảo tàng trực tuyến ẩm thực Việt Nam”.
“Những hoạt động này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy và phát triển nền văn hóa ẩm thực Việt Nam, là bước đầu của hành trình đưa ẩm thực trở thành thương hiệu quốc gia”, ông Nguyễn Quốc Kỳ nói.
Tại Hà Nội, Sở Du lịch Hà Nội cũng đã có kế hoạch xây dựng “bản đồ du lịch” để quảng bá ẩm thực, thu hút du khách. Còn Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội đã, đang nỗ lực phối hợp với các địa phương tăng cường quảng bá đặc sản, đồng thời tổ chức các hoạt động giới thiệu ẩm thực Hà Nội trong các sự kiện, lễ hội do đơn vị tổ chức.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, giới thiệu những nét độc đáo trong ẩm thực của Hà Nội tới các địa phương và ra nước ngoài.
Gửi phản hồi
In bài viết