Toàn cảnh hội thảo.
Dự hội thảo có các đồng chí: Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phùng Tiến Quân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh; đại biểu Ban Dân chủ pháp luật và Hội đồng tư vấn dân chủ pháp luật Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; MTTQ các huyện, thành phố và một số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Các đồng chí Nguyễn Hưng Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Tăng Thị Dương, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì hội thảo.
Từ năm 2014 đến nay, MTTQ các cấp đã chủ trì giám sát được 948 cuộc, trong đó cấp tỉnh 20 cuộc; cấp huyện 71 cuộc; cấp xã 857 cuộc; phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh giám sát được trên 20 cuộc; phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tiến hành giám sát được trên 100 cuộc. Nội dung giám sát tập trung vào các lĩnh vực như: thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công; thực hiện pháp luật về sản xuất kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp; thực hiện pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động tại các doanh nghiệp; công tác tiếp công dân, tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; việc thực hiện các khoản thu chi trong nhà trường; vệ sinh an toàn thực phẩm;... MTTQ các cấp đã tổ chức 155 hội nghị phản biện xã hội. Qua đó, phát huy vai trò của các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn, các tổ chức thành viên tham gia đóng góp phản biện đối với dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, các nghị quyết, quyết định, kế hoạch, đề án của HĐND, UBND...
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung phát biểu tại hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Trong những năm qua, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng và đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, chưa có nhiều hoạt động giám sát về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức Đảng, cơ quan hành chính Nhà nước, địa phương; giám sát công tác xây dựng Đảng còn hạn chế; tham gia phản biện dự thảo các kế hoạch, đề án trọng điểm về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị chưa nhiều; MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp còn lúng túng trong lựa chọn nội dung, đối tượng giám sát, phản biện xã hội, một số nơi tổ chức thực hiện còn hình thức...
Đồng chí đề nghị, hội thảo cần tập trung đánh giá, phân tích, làm rõ cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học và thực tiễn về hoạt động giám sát, phản biện xã hội; thực trạng, kinh nghiệm, cách làm hay; chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Trên cơ sở đó, đề ra giải pháp thiết thực, cụ thể, có tính đột phá nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong công tác giám sát, phản biện xã hội, góp phần đưa hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đạt hiệu quả cao hơn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tai hội thảo, các ý kiến tham luận đã tập trung làm rõ những nội dung liên quan đến nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội như: Việc quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và triển khai các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác giám sát, phản biện xã hội; việc thực hiện các cơ chế, chính sách về giám sát, phản biện xã hội; công tác phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện giám sát, phản biện xã hội; vai trò của các chuyên gia, nhà khoa học, Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn của Uỷ ban MTTQ các cấp trong hoạt động phản biện xã hội; vai trò của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng tham gia giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; việc kiểm tra sau giám sát; việc xác định đối tượng, nội dung, phương thức triển khai thực hiện; nhận thức về công tác giám sát, phản biện xã hội của cấp ủy, chính quyền; việc giám sát vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tham gia phản biện dự thảo các kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị…
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu tại hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đã trao đổi làm rõ một số khó khăn, tồn tại hạn chế trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng chí đề nghị MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cần xây dựng và tổ chức thực hiện tốt kế hoạch giám sát và phản biện xã hội hàng năm và chủ động giám sát đột xuất những vấn đề nổi cộm, nhân dân bức xúc bằng các hình thức phù hợp. Cùng với đó, tập trung rà soát những nội dung, lĩnh vực mà cử tri, nhân dân quan tâm để xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát phản biện xã hội và tổ chức việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, Nhà nước trúng và đúng với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn, Tổ tư vấn, các vị Ủy viên MTTQ Tổ quốc Việt Nam, các vị nhân sĩ, trí thức, các giới, dân tộc, tôn giáo, các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn, đoàn viên, hội viên và sự ủng hộ của nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, Nhà nước; phối hợp sự tham gia, ủng hộ, tuyên truyền của các cơ quan truyền thông đối với các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Đồng chí mong muốn, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh tăng cường hơn nữa phối hợp với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội.
Gửi phản hồi
In bài viết