Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) là điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. (Ảnh Thu Hiền)
Du lịch lịch sử chiến tranh, hay còn gọi là du lịch ký ức chiến tranh, có thể hiểu là loại hình tham quan, nghiên cứu, trải nghiệm những dấu tích gắn liền các cuộc chiến trong lịch sử như chiến trường, nghĩa trang, nhà tù, bảo tàng hiện vật chiến tranh với máy bay, tên lửa, súng, đạn, sơ đồ tác chiến, chỉ thị chiến đấu, những bức thư, bài thơ, bài hát...
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch kiêm Giám đốc Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững (STDe), trên thế giới, du lịch lịch sử-chiến tranh được coi là cấu phần quan trọng của loại hình du lịch ngược về quá khứ để tham quan và trải nghiệm.
Tại Việt Nam, du lịch lịch sử-chiến tranh đã sớm được các địa phương, điểm đến triển khai từ vài thập niên trở lại đây. Không chỉ thu hút những cựu chiến binh trong nước, ngoài nước cùng thân nhân tham gia để hoài niệm, ôn lại kỷ niệm chiến trường xưa, tri ân những đồng đội đã hy sinh vì đất nước, du lịch lịch sử-chiến tranh còn đang hấp dẫn nhiều người trẻ tới tham quan, trải nghiệm, suy ngẫm về lịch sử để từ đó được tiếp thêm niềm tự hào và tinh thần dân tộc.
Tại Việt Nam, du lịch lịch sử-chiến tranh đã sớm được các địa phương, điểm đến triển khai từ vài thập niên trở lại đây. Không chỉ thu hút những cựu chiến binh trong nước, ngoài nước cùng thân nhân tham gia để hoài niệm, ôn lại kỷ niệm chiến trường xưa, tri ân những đồng đội đã hy sinh vì đất nước, du lịch lịch sử-chiến tranh còn đang hấp dẫn nhiều người trẻ tới tham quan, trải nghiệm, suy ngẫm về lịch sử để từ đó được tiếp thêm niềm tự hào và tinh thần dân tộc.
Có thể kể tới những điểm đến tiêu biểu như nhà tù Hỏa Lò, Gò Đống Đa (Hà Nội); Pác Bó (Cao Bằng); vùng đất “lửa” Điện Biên; Thành cổ Quảng Trị, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, địa đạo Vịnh Mốc (Quảng Trị); hang Tám Cô, khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Quảng Bình); nghĩa trang Hàng Dương, nhà tù Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu); nhà tù Phú Quốc (Kiên Giang); địa đạo Củ Chi, Bến Nhà Rồng, Rừng Sác Cần Giờ, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (Thành phố Hồ Chí Minh)…
Đáng chú ý, đã có những tour chuyên đề đặc sắc được xây dựng, mời gọi đông đảo du khách trong nước và quốc tế tới trải nghiệm, như tour “Đêm thiêng liêng” khám phá di tích Nhà tù Hỏa Lò về đêm; hay tour “Theo dấu chân biệt động Sài Gòn” đưa du khách đến những địa điểm gắn liền hoạt động của mạng lưới biệt động trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ…
Đặc biệt, tỉnh Quảng Trị với thế mạnh sở hữu hàng trăm di tích lịch sử cách mạng đã trở thành một trong những địa phương tiên phong phát triển thương hiệu du lịch “Ký ức chiến tranh-khát vọng hòa bình”, đẩy mạnh khai thác các tour du lịch vùng phi quân sự (DMZ), các tour du lịch hoài niệm về chiến trường xưa…
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, du lịch lịch sử-chiến tranh ở Việt Nam nhìn chung vẫn chưa phát triển tương xứng tiềm năng. Tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh nhận định: Du lịch lịch sử-chiến tranh ở nước ta hầu như mới chỉ được đầu tư phát triển như một loại hình phục vụ mục đích tham quan, học tập, giáo dục truyền thống cách mạng. Nhiều di tích dừng ở mức khai thác sơ khai, thiếu những giải pháp không gian ấn tượng, mang tính dẫn dắt để di tích, di sản có thể “kể chuyện” một cách chân thực, sống động nhất.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh, giá trị của điểm di tích chiến tranh biểu hiện ở nhiều khía cạnh vật chất và tinh thần đa dạng. Song lâu nay, thông tin lịch sử về các di tích, điểm đến thường chỉ được chuyển tải đến du khách qua tiếp cận hình ảnh, tư liệu, lời giới thiệu của hướng dẫn viên trong quá trình tham quan nên còn khá đơn điệu, một chiều. Đó là chưa kể, đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại nhiều điểm di tích còn chưa được đào tạo chuyên nghiệp về kỹ năng thuyết trình và ngoại ngữ, dẫn đến làm giảm sức hấp dẫn của điểm đến.
Từ thực tế khai thác các sản phẩm du lịch lịch sử-chiến tranh, ông Phạm Đức Bình, đại diện Công ty Travel moment cho biết: Nguồn tài nguyên để phát triển loại hình du lịch này tại nước ta rất dồi dào, nhưng không được quan tâm đầu tư đúng mức nên chưa thể khai thác hết giá trị.
Doanh thu từ các điểm di tích còn thấp, chi phí bảo tồn tôn tạo chủ yếu trông vào ngân sách nhà nước, cho nên hiệu quả hạn chế. Cơ sở vật chất tại nhiều điểm di tích còn sơ sài, thiếu các dịch vụ bổ trợ như lưu trú, trải nghiệm, ẩm thực… Các đoàn khách hầu như chỉ có thể tới điểm đến tham quan, mua đồ lưu niệm, sau đó phải di chuyển tới địa điểm khác để ăn uống và lưu trú.
Ông Bình nêu thí dụ, với khu di tích lịch sử đang rất hút khách như Bạch Đằng Giang (Hải Phòng), di chuyển từ Hà Nội tới phải mất gần ba giờ, xuất phát từ sáng sớm cũng tầm 9-10 giờ mới đến nơi. Như vậy, du khách chỉ có khoảng 1 tiếng đến 1 tiếng rưỡi để tham quan đã phải di chuyển tới địa điểm khác để ăn trưa, trong khi đây là quần thể di tích rất rộng, đẹp và giàu ý nghĩa. Nếu du khách muốn trải nghiệm kỹ hơn sẽ phải mất thời gian di chuyển quay lại… “Các nhà quản lý dường như chưa để ý đến phần vùng đệm của di tích và dịch vụ đi kèm nên chưa đáp ứng được kỳ vọng của các công ty lữ hành và du khách” - ông Bình cho hay.
Để phát triển du lịch lịch sử-chiến tranh trở thành loại hình đặc thù của nền kinh tế xanh Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của thương hiệu du lịch quốc gia trên bản đồ du lịch thế giới, cần có sự đầu tư bài bản, quy mô cũng như chiến lược phát triển dài hơi, đồng bộ.
Nhiều ý kiến cho rằng, trước hết, các địa phương cần tiến hành điều tra, tổng kiểm kê về hiện trạng các di tích lịch sử chiến tranh trên địa bàn để từ đó có kế hoạch tu bổ, tôn tạo, nâng cấp hoặc xây mới các công trình dịch vụ phụ trợ, tạo cơ sở để hình thành những sản phẩm chuyên nghiệp, có khả năng mang lại doanh thu cho địa phương.
Các doanh nghiệp và địa phương cần có sự liên kết chặt chẽ để xây dựng các tour, tuyến đặc sắc đi qua nhiều điểm đến trên cơ sở phát huy được thế mạnh, điểm độc đáo của từng di tích. Bên cạnh đó, các kỷ vật, di tích gắn với lịch sử được hình thành từ lâu trong quá khứ, nên công tác duy tu, bảo tồn cần được tiến hành thường xuyên. Cùng với việc tuyên truyền để nâng cao ý thức bảo vệ di tích, di sản trong quá trình tham quan của du khách, nên đưa ra những chế tài quản lý đặc biệt để nối dài sức sống cho các công trình, hiện vật...
Bên cạnh tham quan thông thường, du khách hiện nay còn mong có những trải nghiệm chân thực, toàn diện và sâu sắc hơn về điểm đến. Vì thế, du lịch lịch sử-chiến tranh muốn hấp dẫn, tạo được ấn tượng, cảm xúc độc đáo với du khách, cần quan tâm tới tâm lý, nhu cầu khác biệt của từng đối tượng thị trường để xây dựng các sản phẩm với nội dung, hình thức và ngôn ngữ biểu đạt phù hợp. Mặt khác, xu thế thời đại với sự phát triển của công nghệ số cũng đòi hỏi cách trình diễn và giới thiệu của di tích phải theo kịp để tích hợp đa chiều thông tin nội dung, hình ảnh, cách thức trải nghiệm.
Để phát triển du lịch lịch sử-chiến tranh trở thành loại hình đặc thù của nền kinh tế xanh Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của thương hiệu du lịch quốc gia trên bản đồ du lịch thế giới, cần có sự đầu tư bài bản, quy mô cũng như chiến lược phát triển dài hơi, đồng bộ.
“Cần đầu tư sáng tạo các không gian trải nghiệm ảo để du khách được tiếp cận gần gũi và sống động hơn với bối cảnh lịch sử chiến tranh ác liệt, để hiểu hơn cái giá của độc lập, tự do và hòa bình. Ngoài không gian cảm nhận tại vùng di tích gốc, cần mở rộng không gian trải nghiệm tại vùng đệm di tích với nhiều loại hình du lịch bổ trợ độc đáo mang nét đặc thù của du lịch lịch sử-chiến tranh như: trải nghiệm làm du kích, ngủ hầm, ăn cơm nắm, chở xe thồ, đánh trận giả...” - Tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh đề xuất.
Bên cạnh đó, không thể không chú trọng khâu đầu tư cơ sở hạ tầng và đào tạo đội ngũ thuyết minh giỏi. Chủ tịch STDe cũng lưu ý, đối với du lịch lịch sử-chiến tranh, cần tránh tình trạng khai thác theo hướng thương mại hóa quá mức với các dịch vụ phản cảm làm mất đi các giá trị lịch sử và nhân văn vốn có của các điểm di tích.
Để du lịch lịch sử-chiến tranh có thể phát triển bền vững, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng phát triển loại hình này nhất thiết phải mang lại lợi ích hài hòa cho cộng đồng địa phương và các bên tham gia, từ đó góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí, tạo không gian giao lưu văn hóa, đặc biệt ở những khu vực vùng sâu, vùng xa...
Gửi phản hồi
In bài viết