Đưa vốn chính sách về vùng khó

- Quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong tỉnh đã mang lại diện mạo mới cho các xã vùng sâu, vùng xa. Trong đó, không thể không nhắc đến nguồn vốn tín dụng chính sách với vai trò là trụ cột trong giảm nghèo và là đòn bẩy giúp người dân phát triển sản xuất.

Nguồn lực thoát nghèo

Thông qua tổ chức Hội Cựu chiến binh, bà Nguyễn Thị Lỷ, thôn Đồng Nhật, xã Bằng Cốc (Hàm Yên) đã được vay 100 triệu đồng phát triển chăn nuôi trâu bò. Sau 3 năm, gia đình bà đã nhân lên được đàn trâu bò 10 con, trị giá hơn 200 triệu đồng. Bà Lỷ bảo: “Nhờ có vốn chính sách mà gia đình bà đã vực được kinh tế. Cứ đà phát triển này thì gia đình bà sẽ thoát nghèo”.  

Chị Dương Thị Luyến, thôn Nà Tang, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) vay vốn chính sách phát triển nghề dệt thổ cẩm.

Giống như bà Lỷ, gia đình bà Bàn Thị Hương, thôn Bản Lục, xã Đà Vị (Na Hang) những năm về trước kinh tế gia đình khó khăn vì thiếu vốn sản xuất. Với việc được vay vốn hộ nghèo 100 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH, bà Hương đã đầu tư trồng 3 ha rừng mỡ kết hợp với chăn nuôi nhỏ. Hơn nữa, con trai bà Hương cũng vừa đi xuất khẩu lao động hồi tháng 8-2023 nhờ nguồn vốn vay xuất khẩu lao động từ Ngân hàng CSXH và đến tháng 9-2023 đã bắt đầu có thu nhập 10 triệu đồng/tháng gửi về gia đình. Bà Hương tâm sự: “Nguồn vốn chính sách thực sự là cứu cánh đối với gia đình tôi. Từ có vốn giờ gia đình tôi đã bớt khó khăn, xây dựng được mô hình làm kinh tế. Trẻ, già trong gia đình đều có việc làm. Gia đình sẽ nỗ lực để phấn đấu làm căn nhà mới, ổn định cuộc sống lâu dài”.

Chủ tịch UBND xã Đà Vị (Na Hang) Trần Ngọc Lĩnh cho biết: Toàn xã Đà Vị có 735 hộ vay vốn chính sách với tổng dư nợ cho vay là 40,92 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay các chương trình: Hộ nghèo 22,06 tỷ đồng; hộ cận nghèo 6 tỷ đồng; xuất khẩu lao động là 1,5 tỷ đồng; hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn là 4,53 tỷ đồng… Nguồn vốn chính sách là nguồn lực để địa phương đưa một số cây trồng có hiệu quả vào sản xuất như: Sâm, cam, bưởi và triển khai mở rộng, phát triển các sản phẩm OCOP như bún khô truyền thống của đồng bào Tày, măng khô... Cùng với đó, vốn tín dụng chính sách cũng đang góp phần đẩy mạnh xuất khẩu lao động địa phương, giúp cải thiện đời sống người dân, mà quan trọng hơn sau khi trở về họ đã có cái nghề tiếp tục làm tại các khu công nghiệp, công ty nước ngoài, đảm bảo đời sống lâu dài.

Đòn bẩy phát triển kinh tế

Đang nhanh tay cắt những sợi chỉ thừa trên khung dệt vải thổ cẩm, chị Dương Thị Luyến, thôn Nà Tang, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) một trong những hộ người Mông trẻ tuổi có xưởng dệt vải thổ cẩm cho biết: Vợ chồng chị đã đầu tư 500 triệu đồng mua máy thêu thổ cẩm của dân tộc Mông. Trong đó, chị được vay qua ủy thác đoàn thể xã Hùng Lợi 100 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Yên Sơn cộng với vay anh em, bạn bè. Qua 2 năm phát triển, nghề này đã cho vợ chồng chị thu nhập ổn định có triển vọng phát triển  lâu dài nên hai vợ chồng tập trung làm. Khi có đơn hàng lớn hai người không làm kịp thì thuê thêm người trong thôn hỗ trợ. Số tiền lời chưa nhiều, mới được khoảng 20-30 triệu đồng/tháng nhưng công việc ổn định lại được làm ở nhà nên đỡ vất vả hơn nhiều. Chị mong tiếp tục được vay vốn của ngân hàng để mở mang xưởng sản xuất, tạo thêm việc làm cho người dân trong bản.

Anh Phạm Văn Quảng, thôn Sơn Thủy, xã Yên Thuận (Hàm Yên) vay vốn chính sách 100 triệu đồng đầu tư trồng chanh tứ thì.

Từ một hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhờ chịu khó học hỏi, sử dụng vay vốn đúng mục đích, có hiệu quả anh Sùng Seo Giáp, thôn Yểng, xã Hùng Lợi đã vươn lên thoát nghèo từ nghề nuôi ong lấy mật. Anh Giáp chia sẻ: “Mạnh dạn vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để đầu tư nuôi ong mật, đến nay đã nhân rộng lên 100 đàn ong, cho thu hoạch mật khoảng 800 đến 900 lít/1 năm, với giá bán 200.000 đồng/lít, trung bình mỗi năm, trừ chi phí, anh thu lãi hơn 120 triệu đồng”.

Vốn chính sách là động lực để anh Phạm Văn Quảng, thôn Sơn Thủy, xã Yên Thuận (Hàm Yên) đầu tư cải tạo vườn chanh tứ thì lên đến hơn 2.000 gốc trên đất đồi thấp. Anh Quảng cho biết: “Vợ chồng tôi được vay 100 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện Hàm Yên đầu tư trồng 2.000 gốc chanh tứ thì. Từ một hộ có hoàn cảnh khó khăn của địa phương, từ đầu năm đến hết tháng 6 - 2024 đã có thu nhập 600 triệu đồng từ bán chanh quả. Nhờ nguồn vốn cho vay lãi suất thấp của Ngân hàng CSXH huyện Hàm Yên đã giúp gia đình tôi mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, và tạo được việc làm thu nhập cho cả gia đình”.

Theo báo cáo Ngân hàng CSXH tỉnh, đến hết tháng 4-2024, nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 4.355 tỷ đồng, tăng 2.719 tỷ đồng so với năm 2014. Theo đó, đã giải ngân cho 227.103 hộ nghèo và đối tượng chính sách vay vốn; giúp cho 72.350 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; giúp 1.026 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; 23.175 lao động được tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm; 454 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài; xây dựng được 101.859 công trình nước sạch vệ sinh và môi trường; xây dựng được 3.857 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách…

Nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào việc hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ các cấp, đặc biệt là các chỉ tiêu về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của tỉnh, góp phần ổn định chính trị - xã hội, tạo sinh kế cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội, tạo nguồn lực cho các địa phương khai thác tiềm năng, thế mạnh.

Bài, ảnh: Trang Tâm

Tin cùng chuyên mục