Binh sĩ Đức được chào đón đến Trại Butmir bằng lễ thượng cờ tại trụ sở EUFOR ngày 16.8.2022. Ảnh: EUFOR
RT đưa tin, Đức đã điều khoảng 50 binh sĩ tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình do EU dẫn đầu tại nước Cộng hòa Bosnia-Herzegovina thuộc Nam Tư cũ, sau khi rút quân gần 10 năm trước.
Người Serbia ở Bosnia phản đối và Đại sứ quán Nga cảnh báo về các trò chơi quyền lực của NATO khi nhóm binh sĩ Đức đầu tiên được triển khai bên ngoài Sarajevo hôm 16.8.
Theo EUFOR - tổ chức tập hợp binh lính các quốc gia EU với sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Bosnia - binh sĩ Đức sẽ “bổ sung thêm năng lực” ở cả trụ sở của EUFOR tại thủ đô Sarajevo, Bosnia, và ở cả những khu vực khác của chính quyền và cộng đồng địa phương.
EUFOR cho biết: “Việc triển khai này là một minh chứng rõ ràng hơn cho cam kết của EU đối với một tương lai ổn định, thịnh vượng và Châu Âu cho tất cả công dân Bosnia-Herzegovina”.
Khoảng 50.000 lính gìn giữ hòa bình của NATO lần đầu tiên được triển khai tới Bosnia vào năm 1996, để thực thi hiệp định đình chiến kết thúc cuộc nội chiến 1992-1995 giữa người Serbia, người Hồi giáo và người Croatia. EU tiếp quản vào năm 2004 và Đức rút quân vào cuối năm 2012. Hiện tại, EUFOR ước tính có khoảng 1.100 quân từ 20 quốc gia với nhiệm vụ hỗ trợ Bosnia “trên con đường hội nhập Châu Âu”.
Milorad Dodik, thành viên người Serbia gốc Bosnia thuộc Văn phòng Tổng thống Bosnia-Herzegovina, nói rằng người dân không ủng hộ và không tin tưởng vào sự hiện diện quân sự của Đức ở Bosnia, vì nghị quyết gần đây của Đức bày tỏ mong muốn sửa đổi Hòa ước Dayton.
Hòa ước Dayton - cũng được gọi là Thoả thuận Dayton, Hiệp định Dayton - đã đạt được tại căn cứ không quân Wright-Patterson gần Dayton, Ohio (Mỹ) vào tháng 11.1995, và chính thức được ký tại Paris (Pháp) ngày 14.12.1995. Các hoà ước này đã chấm dứt cuộc chiến kéo dài 3,5 năm ở Bosnia, một trong những xung đột vũ trang ở Nam Tư cũ.
"Nghị quyết gần đây của Đức can thiệp vào trật tự hiến pháp của chúng tôi và thể hiện sự can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia khác" - ông Dodik nói với truyền thông địa phương hôm 16.8. Ông nói thêm rằng lịch sử của Đức trong khu vực - với tư cách là nước chiếm đóng trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới - cũng khiến người Serbia không tin tưởng vào các hành động của Berlin.
Trong khi đó, Đại sứ quán Nga tại Sarajevo nói rằng sự xuất hiện của quân đội Đức dường như là một phần trong chương trình nghị sự của Mỹ-Anh nhằm “dần dần NATO hóa" ở Bosnia. Bản thân EUFOR đã nói với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rằng đất nước hòa bình và ổn định, vì vậy việc họ đột ngột kêu gọi quân tiếp viện dường như là vô nghĩa. Ngoài ra, viện dẫn cuộc khủng hoảng ở Ukraina là "đặc biệt không thể chấp nhận được" - phía Đại sứ quán Nga nói thêm.
Đại sứ quán cho biết, Nga lưu tâm đến những hành động khiêu khích có thể xảy ra, đồng thời kêu gọi tất cả phe phái của Bosnia “không tham gia một trò chơi áp đặt giả tạo” mà hãy bắt đầu thảo luận các vấn đề chính trị nội bộ mà không có sự can thiệp từ bên ngoài.
Sứ mệnh của EUFOR dự kiến hết hạn vào tháng 11 và việc gia hạn sẽ phụ thuộc vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nơi Nga có quyền phủ quyết. Năm ngoái, khi Nga từ chối chấp thuận việc bổ nhiệm Christian Schmidt làm “đại diện cấp cao” mới ở Bosnia, các nước phương Tây đã tự mình bổ nhiệm cựu chính trị gia người Đức này.
Gửi phản hồi
In bài viết