Cảnh sát Đức. (Ảnh: Anh Ngọc/TTXVN)
Các nhà điều tra sẽ có thể so sánh video trên Internet về các thành viên của tổ chức IS với hình ảnh trên mạng xã hội để thu thập thông tin về nơi trú ẩn của các tay súng Hồi giáo.
Trí tuệ Nhân tạo (AI) sẽ được sử dụng ngày càng thường xuyên hơn trong cuộc chiến chống khủng bố tại Đức.
Bộ Nội vụ Liên bang Đức đang có kế hoạch cho phép Cục Cảnh sát hình sự Liên bang (BKA) và Cảnh sát Liên bang (Bundespolizei) sử dụng các phần mềm nhận dạng khuôn mặt để truy tìm nghi phạm trong tương lai.
Người phát ngôn Bộ Nội vụ Đức xác nhận nội dung trên đã được Bộ trưởng Nội vụ liên bang Nancy Faeser đưa vào dự thảo luật.
Các nhà điều tra sẽ có thể so sánh video trên Internet về các thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng với hình ảnh trên mạng xã hội để thu thập thông tin về nơi trú ẩn của các tay súng Hồi giáo.
Dự thảo luật nêu rõ: "Các cơ quan an ninh cần được sử dụng sức mạnh của công nghệ hiện đại để xác định và định vị các nghi phạm và mối đe dọa một cách nhanh chóng và hiệu quả, đặc biệt là trong lĩnh vực chống khủng bố, tội phạm nghiêm trọng và có tổ chức."
Các cơ quan điều tra của Đức lâu nay đã đề nghị cho phép sử dụng các công cụ hiện đại này. Đề nghị đã có thêm sự ủng hộ sau vụ bắt giữ cựu thành viên tổ chức khủng bố Nhóm Quân đội Đỏ (RAF) Daniela Klette.
Nhiều tháng trước đó, một nhà báo người Canada đã dùng công nghệ nhận dạng khuôn mặt trên Internet để tìm những bức ảnh cũ nghi là của Klette và các nhóm nhảy liên quan đối tượng này ở Berlin.
Dự kiến, thay đổi luật vẫn cần phải được nội các và Quốc hội Đức thông qua, để cho phép các nhà điều tra so sánh sinh trắc học với dữ liệu hình ảnh trên Internet và cho phép phân tích dữ liệu tự động bằng AI. Ngoài khuôn mặt, các đặc điểm sinh trắc học cũng có thể bao gồm giọng nói hoặc dáng đi của một người.
Tuy nhiên, theo Bộ Nội vụ Đức, nhận dạng khuôn mặt theo thời gian thực trong không gian công cộng - ví dụ như thông qua video giám sát tại các nhà ga -vẫn chưa được đề cập trong dự thảo.
Gửi phản hồi
In bài viết