(Ảnh minh họa: Reuters)
Theo kế hoạch do Bộ trưởng Giáo dục và Nghiên cứu Bettina Stark-Watzinger công bố, Đức dự tính thành lập 150 phòng thí nghiệm mới chuyên về nghiên cứu AI, đồng thời mở rộng các trung tâm dữ liệu hiện có và tăng khả năng tiếp cận các bộ dữ liệu cho mục đích đào tạo AI.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Đức đang nỗ lực vực dậy nền kinh tế đang suy thoái.
Cùng với đó là các ngành công nghiệp quan trọng như sản xuất ô-tô và hóa chất trong nước đang phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất xe điện mới nổi, cũng như chịu tác động từ chi phí năng lượng tăng cao.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Đại học Stanford, khoản đầu tư của Đức còn khá khiêm tốn so với 3,3 tỷ USD mà Chính phủ Mỹ đã chi cho nghiên cứu AI vào năm 2022, nâng tổng chi cho lĩnh vực này ở Mỹ lên tới 47,4 tỷ USD tính đến năm ngoái. Con số này gần gấp đôi tổng chi tiêu của châu Âu và vượt xa mức 13,4 tỷ USD của Trung Quốc.
Song theo bà Stark-Watzinger, khung pháp lý mới của châu Âu, trong đó đặt trọng tâm hơn vào quyền riêng tư và an toàn thông tin cá nhân, có thể là yếu tố thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực AI đến Đức, cũng như tăng cường hợp tác trong Liên minh châu Âu.
Bộ trưởng Stark-Watzinger cho biết, Đức có lợi thế cạnh tranh khi có một ngành AI đáng tin cậy và minh bạch, đồng thời nhấn mạnh việc đơn giản hóa các quy định sẽ góp phần thúc đẩy đầu tư tư nhân vào nghiên cứu AI.
Bà Stark-Watzinger cũng cho biết thêm, mặc dù các công ty Đức chưa thể so sánh với những “gã khổng lồ” công nghệ của Mỹ, nhưng số lượng công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực AI của nước này đã tăng gấp đôi trong năm 2023, giúp đưa Đức lên vị trí thứ 9 trên bảng xếp hạng toàn cầu về ngành này.
Gửi phản hồi
In bài viết