Dùng chung hạ tầng 5G sẽ giúp các doanh nghiệp vừa đáp ứng nhu cầu của khách hàng vừa tiết kiệm chi phí đầu tư.
Chia sẻ cơ sở hạ tầng - xu hướng tất yếu
Đánh giá của Hiệp hội Di động toàn cầu GSMA cho thấy, việc dùng chung hạ tầng viễn thông thụ động sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được khoảng 16-35% chi phí CAPEX/OPEX (chi phí vận hành, chi phí vốn). Trong khi đó, chia sẻ hạ tầng viễn thông tích cực sẽ giúp tiết kiệm lớn hơn nữa từ 33% đến 45% CAPEX và khoảng 30-33% OPEX. Việc các nhà mạng dùng chung cơ sở hạ tầng cũng giúp tiết kiệm nguồn lực đầu tư chung của xã hội. Bên cạnh đó, việc chia sẻ cơ sở hạ tầng còn có lợi ích về môi trường như giảm tiêu thụ năng lượng, giữ cảnh quan đẹp và an toàn.
Bởi những lý do trên, nên đến quý II-2024 đã có 253 thỏa thuận chia sẻ cơ sở hạ tầng giữa các nhà khai thác trên thế giới, tăng 53% so với năm 2020 (165 thỏa thuận) và tăng 208% so với năm 2015 (82 thỏa thuận).
Tại Việt Nam, Luật Viễn thông 2009 và Luật Viễn thông sửa đổi năm 2023 đã có những quy định cụ thể về “chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông" để tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp triển khai thực hiện. Tại các quyết định, quy hoạch về phát triển hạ tầng, Chính phủ đã có quan điểm, định hướng tăng cường việc dùng chung hạ tầng giữa các doanh nghiệp. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đưa ra nhiều chính sách thúc đẩy chia sẻ cơ sở hạ tầng giữa các nhà mạng. Từ năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì tổ chức cho các nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone, Gtel ký thỏa thuận dùng chung cơ sở hạ tầng…
Thực tế, chia sẻ hạ tầng viễn thông được các nhà mạng triển khai từ nhiều năm trước mà Hà Nội là địa phương đi đầu thực hiện. Cụ thể, từ năm 2009, chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Hà Nội đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp và Điện lực Hà Nội thực hiện hạ ngầm dây, cáp; dùng chung hạ tầng trạm thu phát sóng (BTS) tại quận Hoàn Kiếm để bảo đảm cảnh quan đẹp và an toàn. Đến nay, trong tổng số 12.000 trạm BTS tại Hà Nội, có khoảng 4.000 vị trí BTS được các nhà mạng dùng chung.
Việc dùng chung hạ tầng viễn thông cũng được áp dụng trong thực tế khi các nhà mạng thực hiện roaming cuộc gọi cho người dân tại các địa phương bị ảnh hưởng bão lũ nhằm duy trì và bảo đảm thông tin liên lạc phòng, chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn.
Nhà mạng hợp tác, dùng chung hạ tầng 5G
Về việc hợp tác dùng chung cơ sở hạ tầng viễn thông, lãnh đạo Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, VNPT đã có những bước đi tiên phong trong chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông, hợp tác tích cực với các nhà mạng trong chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông thụ động.
Cụ thể, với hạ tầng mạng di động, VNPT đã chia sẻ, dùng chung hơn 5.000 vị trí trạm BTS với các nhà mạng khác (VNPT chia sẻ cho nhà mạng khác thuê dùng chung với hơn 3.600 trạm; thuê lại và dùng chung hơn 1.400 trạm của các nhà mạng khác). Ngoài ra, VNPT dùng chung 19.000 trạm BTS của các đơn vị xã hội hóa. Đối với hạ tầng mạng cố định, VNPT chia sẻ dùng chung với các doanh nghiệp khác về hạ tầng cáp quang, cống bể, mạng ngoại vi tại các tỉnh, thành phố.
Hiện nay, VNPT hợp tác chia sẻ hạ tầng viễn thông tích cực với Tổng công ty Viễn thông MobiFone dùng chung BTS 4G. Sắp tới, VNPT cùng MobiFone sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chia sẻ 4G, hợp tác chia sẻ cả hạ tầng mạng 5G đang bắt đầu được triển khai thương mại tại Việt Nam. Nhà mạng MobiFone đã triển khai dùng chung cả hạ tầng viễn thông thụ động và hạ tầng viễn thông tích cực. Trong năm 2025, MobiFone dự kiến hợp tác dùng chung 5.000 vị trí BTS 5G và 4G với VNPT.
Tương tự, lãnh đạo Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) cho biết, Viettel có nhiều hợp tác dùng chung hạ tầng viễn thông thụ động cùng nhà mạng khác tại Hà Nội và một số địa phương, roaming tại khu vực xảy ra thiên tai bão lũ. Viettel sẽ hợp tác với các nhà mạng khác dùng chung hạ tầng 5G tại những khu vực lưu lượng thấp để bảo đảm phục vụ cho khách hàng, vừa bảo đảm hiệu quả đầu tư.
Việc triển khai chia sẻ hạ tầng mạng tích cực 4G, 5G hướng đến các lợi ích chung về tiết kiệm các chi phí đầu tư, chi phí vận hành khai thác, mở rộng nhanh vùng phủ sóng 4G, 5G trên toàn quốc. Việc này cũng giúp nhà mạng giảm bớt khó khăn trong việc phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt khi triển khai mạng 5G vì cần nhiều trạm thu phát sóng hơn và chi phí để đầu tư cũng rất lớn. Đồng thời, dùng chung hạ tầng sẽ giúp giảm thiểu các tác động, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, kiến trúc đô thị; giảm bức xạ, giảm mức tiêu thụ năng lượng... góp phần phát triển hạ tầng số xanh, bền vững theo định hướng của Chính phủ.
Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), Nghị định 163/NĐ-CP đã quy định việc chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông tích cực giữa các doanh nghiệp viễn thông trên nguyên tắc khuyến khích việc chia sẻ để tiết kiệm chi phí triển khai mạng viễn thông, đồng thời phải bảo đảm phù hợp với pháp luật về cạnh tranh, pháp luật về tần số vô tuyến điện. Cục Viễn thông cũng đang chủ trì thúc đẩy các doanh nghiệp triển khai mô hình hoạt động đầu tư cho thuê hạ tầng viễn thông (TowerCo) tại Việt Nam.
Gửi phản hồi
In bài viết