ChatGPT đang tiếp tục được nhiều người bàn luận.
Đó là một lưu ý được ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Công tác phía Nam của Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ. Theo ông Cường, việc dạy máy móc tiếp nhận và xử lý ngôn ngữ tự nhiên đã được một số nhà khoa học tại Việt Nam thực hiện từ đầu những năm 1990 và Việt Nam hiện có chiến lược ứng dụng AI rất "mở".
“Năm 2022, những bức vẽ do phần mềm ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) thực hiện làm cộng đồng ồn ào bàn tán, giờ nó thế nào rồi? ChatGPT cũng thế. Ứng dụng ra đời sau bao giờ cũng hoàn thiện hơn ứng dụng xuất hiện trước đó, nhưng cần hiểu để sử dụng nó. Cộng đồng ồn ào bàn về ChatGPT, nhưng lại quên đi việc quan trọng nhất quyết định sự “sống còn” của mọi chatbot (trả lời tự động), đó là dữ liệu. Tạo dữ liệu lớn thế nào, quản trị và sử dụng dữ liệu đó ra sao thì chưa thấy nhiều người nhắc đến”, ông Nguyễn Mạnh Cường nói.
Đây cũng là khuyến cáo được Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Điền, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học tính toán, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) đưa ra. Theo ông, ChatGPT nạp thông tin để phân tích và đưa ra kết quả theo yêu cầu, nhưng bản thân ứng dụng này không thể phân biệt đâu là thông tin thật, đâu là giả. Làm chủ ChatGPT là phải làm chủ dữ liệu đầu vào cho ứng dụng.
“Thế mạnh của ChatGPT là ngôn ngữ. Ứng dụng này có thể hỗ trợ nhiều công chức để giảm thời gian xử lý thông tin phản ánh từ vài ngày xuống vài giờ. Tuy nhiên, nó phải được “huấn luyện” cách tiếp nhận và giải quyết thông tin đúng đắn”, Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Điền nhấn mạnh.
Nói thêm về việc tạo và quản trị nguồn dữ liệu cho chatbot nói chung và ChatGPT nói riêng, Tiến sĩ Trang Hồng Sơn, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, Giám đốc chương trình ngành Công nghệ thông tin Trường Đại học Hoa Sen (thành phố Hồ Chí Minh) lưu ý, Google cũng là ứng dụng tổng hợp thông tin cho người dùng thông qua từ khóa (keyword), nhưng nó có dẫn nguồn để người đọc tham khảo. ChatGPT tổng hợp luôn nhiều nguồn thông tin, trả lời không dẫn nguồn. Vì vậy, người dùng cần kiểm chứng trước khi sử dụng những thông tin này.
Một ví dụ cho thấy ChatGPT trả lời sai vì dữ liệu đầu vào không chuẩn xác. Ảnh: TP.
Từ cuối năm 2022, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã “đặt hàng” Sở Khoa học và Công nghệ cùng Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, triển khai ứng dụng AI nói chung và ChatGPT nói riêng vào các lĩnh vực quản lý nhà nước phù hợp, trên tinh thần nếu được cung cấp dữ liệu đầu vào tốt thì những ứng dụng này sẽ hình thành sản phẩm tốt, có ích.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Lâm Đình Thắng cho biết, Sở đã đặt hàng ứng dụng ChatGPT vào 4 lĩnh vực, gồm: Một là ứng dụng vào dịch vụ công trực tuyến, trả lời tiến độ giải quyết thủ tục hành chính. Hai là xây dựng hệ thống trợ lý ảo hỗ trợ các cấp quản lý. Ba là tạo dựng trợ lý ảo phục vụ việc dạy và học. Bốn là nghiên cứu cơ chế bảo mật, quản lý dữ liệu trong việc sử dụng ChatGPT.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức nhấn mạnh: “UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo giai đoạn 2020-2030”. ChatGPT và các ứng dụng AI là cơ hội mới, chúng ta cần nhanh nhẹn nắm bắt nhưng cần sáng suốt, không chạy theo một cách mù quáng, không nên phản ứng tiêu cực và nên tiếp nhận một cách có chọn lọc để đưa vào phục vụ người dân, phục nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền”.
Gửi phản hồi
In bài viết