San đồi, bạt núi: Cần giải pháp thống nhất, phù hợp

 

Thực tế tình trạng san, bạt đồi, núi, hạ ta luy để lấy mặt bằng làm nhà, công xưởng kéo dài trong nhiều năm, xảy ra ở nhiều địa phương. Và những hệ lụy của việc san, bạt đồi đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, thiệt hại cả về người và tài sản.

 

Một năm sau sự cố sạt lở đất kinh hoàng xảy ra, chị Đoàn Thị Tú, thôn Bến, xã Lực Hành (Yên Sơn) vẫn vô cùng đau xót. Chị không thể tin nổi, đứa con gái thân yêu, đứa cháu ngoại bé bỏng của chị lại ra đi nhanh chóng đến vậy. Nhắc tên con, tên cháu, chị Tú nghẹn lòng kể, con gái chị lấy chồng xa, lại mới sinh, thương con, nhớ cháu chị đón về chơi, chăm sóc. Nhưng không thể ngờ đó là lần cuối mẹ con, bà cháu chị được gặp nhau. 

 

 

Giây phút tỉnh lại, trước mắt chị là tầng ta- luy dựng đứng sau nhà đổ ập xuống, đất vùi ngang ngực chị, con gái và cháu ngoại nằm phía trong đã không còn bóng dáng. Thấy vậy, chồng chị ngoài sân hô hoán bà con lối xóm ứng cứu. Phải cố gắng lắm, mọi người mới đưa chị ra được để đưa đi viện.

Ông Hoàng Mai Thắng, Trưởng thôn Bến, xã Lực Hành, người có mặt đầu tiên và cũng là người tham gia đến cuối cuộc tìm kiếm, cứu nạn nhớ lại, sau khi đưa chị Tú ra khỏi đống đổ nát, gần 1 tiếng đồng hồ, với hàng chục người, cùng máy móc thiết bị mới tìm được 2 nạn nhân cuối cùng nhưng tất cả đều đã quá muộn. Theo ông Thắng, lý do đất sạt lở cướp đi sinh mạng của 2 con người cũng chỉ vì gia đình nạn nhân không có quỹ đất ở, phải xả núi để làm nhà, quá trình xả đã tạo ra tầng ta-luy cao hơn nóc nhà, khi mà khoảng cách xây dựng không đảm bảo, các biện pháp gia cố không có, sạt lở khó tránh khỏi

Mỗi khi mưa lớn xảy ra, gia đình bà Hoàng Thị Sắc, thôn Vân Thành, xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương) cũng nơm nớp lo sợ, bởi chính bà tận mắt chứng kiến một lượng lớn bùn đất từ ta luy sau nhà trút xuống, nếu không may mắn, bà và người thân đã không còn. Bà Sắc nhớ, ngày 27-6-2022, sau một trận mưa lớn, toàn bộ ta luy sau nhà đã trượt xuống, rất may đất xô đến ngang cửa sổ nhà thì dừng lại. Theo bà Sắc, do địa thế đất hẹp nên lúc làm nhà bà thuê máy cuốc, xả ta luy đồi để mở rộng mặt bằng. Tưởng rằng làm được nhà rồi sẽ an cư, ngờ đâu lại đối mặt với nguy cơ sạt trượt đất, đá. Khai thác trái phép vào buổi tối.

 Ngôi nhà của gia đình bà Hoàng Thị Sắc thôn Vân Thành, xã Vĩnh Lợi, Sơn Dương bị đất sạt vào sát nhà năm 2022.

 

 

 

Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 207/STNMT-QLĐĐ ngày 18-2-2022 về việc tiếp tục thực hiện một số nội dung trong việc tăng cường quản lý đất đai trên địa bàn; chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật, tự ý chia tách thửa, đào, đắp đất, khai thác vận chuyển đất, đá làm vật liệu san lấp, cải tạo mặt bằng xây dựng công trình, san gạt ngoài diện tích cho phép. UBND huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị, phòng chuyên môn phối hợp với lực lượng chức năng, UBND cấp xã tăng cường quản lý, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về lĩnh vực đất đai, khoáng sản và bảo vệ môi trường theo quy định. 

Tại các địa phương xảy ra tình trạng san, gạt, bạt đồi núi, hạ cos ta-luy, hầu hết những trường hợp vi phạm đều bị lập biên bản nhắc nhở, xử phạt. Tuy nhiên cũng rất khó để kiểm soát chặt chẽ tình trạng này vì lý do theo điểm K, khoản 2, Điều 89 của Bộ Luật Xây dựng quy định: Công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn được miễn cấp phép xây dựng. Điều này khiến cho việc xác định vị trí đất thổ cư trên một diện tích đất rộng lớn là vô cùng khó khăn.

Trước khi có quy định thống nhất cụ thể để quản lý hiệu quả đất đai, tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để ổn định đời sống người dân. Đó là bố trí lại dân cư theo 2 hình thức xen ghép và tập trung, đồng thời quy hoạch quỹ đất ở thông qua việc bán đấu giá quyền sử dụng đất.

 


Ngành đang phối hợp với các huyện, thành phố rà soát, xây dựng phương án bố trí dân cư theo hình thức xen ghép và ổn định tại chỗ để tổ chức thực hiện, trong đó ưu tiên nơi có nguy cơ cao về thiên tai sẽ phải bố trí thực hiện trước.

Theo lãnh đạo các ngành Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, bên cạnh giải pháp của tỉnh, ngành chuyên môn rất cần một cơ chế thống nhất đồng bộ từ Trung ương và sự hợp tác tích cực từ phía người dân. Các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân. Có như vậy, việc quản lý đất đai mới đem lại hiệu quả, hạn chế được những nguy cơ sạt, trượt đất, đá, bảo đảm an toàn tính mạng, tại sản của người dân.