Tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi tại Bệnh viện Nuovo Regina Margherita, Rome, Italia, ngày 15/12/2021. (Ảnh: Reuters)
Theo EC, để chuẩn bị cho giai đoạn hậu đại dịch, chính phủ các nước thành viên EU nên tăng cường miễn dịch cho trẻ em. EC cũng đánh tín hiệu đang cân nhắc kế hoạch để phát triển các loại thuốc kháng virus.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Brussels, Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề y tế Stella Kyriakides cho biết, ước tính 60-80% dân số EU đã mắc Covid-19.
Cơ quan y tế EU cũng nêu rõ, dù các số liệu thống kê chính thức cho thấy 30% dân số EU mắc bệnh nhưng tính cả những ca có thể chưa được công bố đầy đủ thì số người mắc bệnh tại EU có thể lên đên 350 triệu, tương đương 77% dân số toàn khối.
Trong bối cảnh số ca mắc mới và tử vong vì Covid-19 giảm trong thời gian gần đây, EU đang tiến tới bỏ xét nghiệm diện rộng và báo cáo số ca mắc mới.
Tuy nhiên, do vẫn còn nguy cơ gia tăng số ca mắc mới khi virus tiếp tục biến đổi, nên các quốc gia cần chuẩn bị các kế hoạch để nhanh chóng trở lại trạng thái khẩn cấp khi cần, và nên đẩy mạnh các chiến dịch tiêm phòng.
Trong tài liệu vạch ra chiến lược cho giai đoạn sau tình trạng khẩn cấp vì đại dịch, EC kêu gọi chính phủ các nước EU tiếp tục tiêm phòng cho người chưa được tiêm, đặc biệt là cho trẻ em chuẩn bị bước vào kỳ học mới mùa thu tới.
Hiện tỷ lệ trẻ em EU từ 5-9 tuổi được tiêm phòng là 15%. Đây cũng là nhóm nhỏ tuổi nhất được cấp phép tiêm phòng Covid-19 tại EU. Tỷ lệ tiêm cho nhóm từ 15-17 tuổi là 70%.
EC cũng có thể sẽ ủng hộ việc phát triển các loại thuốc mới điều trị Covid-19, đặc biệt là thuốc kháng virus dễ bảo quản và sử dụng. Hiện EU đã cấp phép sử dụng thuốc viên kháng virus của công ty Pfizer (Mỹ) và Merck&Co (Anh).
Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc vẫn còn hạn chế, do một số nguyên nhân như dịch bệnh giảm, giá thuốc cao và các quy trình kê đơn phức tạp tại mỗi quốc gia.
EC cũng tiếp tục ủng hộ phát triển các thế hệ vaccine phòng Covid-19 mới, với hiệu quả bảo vệ mạnh và lâu dài hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết