Ericsson và Đại học RMIT ký thỏa thuận thành lập Phòng thí nghiệm Trí tuệ nhân tạo (AI).
Sáng kiến chung Phòng thí nghiệm AI (AI Lab) này là sự mở rộng mới nhất của hợp tác giáo dục 5G hiện tại giữa RMIT và Ericsson nhằm giúp đào tạo sinh viên Việt Nam về 5G và các công nghệ mới, như trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (ML), chuỗi khối (blockchain), điện toán đám mây, AR/VR và tự động hóa, giúp hỗ trợ sinh viên ngành khoa học, công nghệ và kỹ thuật của RMIT tích cực tham gia và đóng góp vào hành trình chuyển đổi nền kinh tế số và cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 của đất nước.
Phòng thí nghiệm AI cũng là sáng kiến giáo dục và nghiên cứu trong ngành tập trung vào việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các sáng kiến Công nghiệp 4.0, được thúc đẩy bởi việc triển khai 5G tại Việt Nam.
Thông qua sáng kiến này, Ericsson và RMIT sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, cộng đồng và các đối tác học thuật trong ngành sáng tạo và triển khai các giải pháp AI nhằm tiên phong ứng dụng Công nghiệp 4.0 trong nhiều ngành, bao gồm năng lượng, sản xuất, nông nghiệp, vận tải và hậu cần.
Sự phát triển nhanh chóng của các tiến bộ công nghệ giúp tăng hiệu quả và năng suất trong các ngành dựa nhiều vào lao động truyền thống, cùng với đó là xã hội ngày càng quan tâm tới phát triển bền vững về môi trường, vì thế nhu cầu về kỹ năng và năng lực số trong lực lượng lao động đã trở thành ưu tiên hàng đầu của các quốc gia trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã đặt ra các mục tiêu rõ ràng để đẩy nhanh ứng dụng Công nghiệp 4.0 như một phần của Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia.
Dự kiến các hoạt động hợp tác của Phòng thí nghiệm AI sẽ gồm các chương trình đào tạo/học tập tích hợp về 5G, AI/ML, AR/VR, tự động hóa, điện toán đám mây và điện toán biên, chuỗi khối và các công nghệ liên quan.
Phòng thí nghiệm AI cũng sẽ phục vụ tham vọng cùng chung nghiên cứu, sáng tạo và triển khai các ứng dụng AI nhằm phục vụ nhu cầu của các ngành công nghiệp trên khắp Việt Nam, chẳng hạn như sản xuất, năng lượng, giáo dục, vận tải và hậu cần.
Bên cạnh đó, Phòng thí nghiệm AI sẽ giúp Ericsson và RMIT mở rộng kết nối tới cộng đồng và đối tác để có thể tạo ra một hệ sinh thái rộng lớn hơn trong các lĩnh vực công nghệ trí tuệ nhân tạo và truyền thông với nền tảng 5G như một hạ tầng quan trọng của quốc gia.
Sáng kiến này sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trên toàn quốc, đồng thời nuôi dưỡng và phát triển năng lực công nghệ cao của lực lượng lao động trong tương lai.
Ông Denis Brunetti, Giám đốc Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào, cho biết: “Phòng thí nghiệm AI được xây dựng dựa trên sự hợp tác giáo dục 5G hiện tại với Đại học RMIT tại Việt Nam và là một bước quan trọng trong việc xây dựng lực lượng lao động sẵn sàng cho ngành công nghệ cao tại Việt Nam thông qua các quan hệ đối tác chiến lược giữa ngành và các tổ chức học thuật, đồng thời giúp thúc đẩy hơn nữa hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trên toàn quốc.
Việc hợp tác giữa hai bên được kỳ vọng sẽ đào tạo ra các tài năng trẻ về 5G cũng như những ứng dụng AI, giúp đẩy nhanh lộ trình Công nghiệp 4.0 của Việt Nam cũng như tham vọng trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo của ASEAN vào năm 2030. Nó sẽ thực sự thúc đẩy và tạo ra làn sóng phát triển kinh tế xã hội bền vững và toàn diện tiếp theo ở Việt Nam nhờ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”.
Giáo sư Claire Macken, Tổng giám đốc Đại học RMIT Việt Nam, nhận định: “Một trọng tâm chiến lược của Đại học RMIT là góp phần nâng cao năng lực công nghệ tổng thể để Việt Nam tạo được vị thế trong các ngành công nghiệp số và tương lai chuyển đổi số".
“Hợp tác này giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ có những kỹ năng thực tiễn cần thiết để thành công trong môi trường kinh doanh phát triển nhanh chóng, lấp đầy những khoảng trống kỹ năng mới nổi và hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế giá trị gia tăng”, Giáo sư Claire Macken nói.
Gửi phản hồi
In bài viết