Một cơ sở xử lý khí đốt của Tập đoàn Gazprom (Nga) tại mỏ khí đốt Bovanenkovo trên bán đảo Yamal, Nga. (Ảnh: Reuters)
Phát biểu với hãng tin AFP, một số quan chức EU và các nhà ngoại giao châu Âu khẳng định đang có sự chia rẽ về kế hoạch trên.
Dự kiến, các đại sứ của 27 nước thành viên EU sẽ gặp nhau trong ngày 4/5 để xem xét kế hoạch này. Để có hiệu lực, kế hoạch cần nhận được sự nhất trí của toàn bộ 27 nước thành viên.
Ủy ban châu Âu đề xuất các nước sẽ thực hiện từng bước lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga trong vòng từ 6 đến 8 tháng. Hungary và Slovakia được phép thực hiện điều này chậm hơn vài tháng.
Tuy nhiên, giống như Hungary, Slovakia phụ thuộc gần như 100% vào nguồn dầu thô của Nga chảy qua đường ống Druzbha, do đó nước này cho rằng cần vài năm mới có thể thực hiện lệnh cấm này.
Theo Slovakia, các nhà máy lọc dầu của nước này được thiết kế để xử lý dầu của Nga, vì vậy sẽ phải điều chỉnh hoặc thay thế gần như hoàn toàn khi nhập khẩu dầu từ nơi khác. Đây là quá trình tốn kém và lâu dài.
Một số quan chức EU khác cho rằng Bulgaria và Cộng hòa Séc cũng có thể tìm cách không áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga.
Một nhà ngoại giao châu Âu cảnh báo việc cấp quy chế miễn trừ cho 1 hoặc 2 nước phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ và khí đốt của Nga có thể gây ra hiệu ứng domino yêu cầu việc miễn trừ, gây ảnh hưởng tới lệnh cấm vận.
Trong khi đó, cùng ngày, Thủ tướng Italia Mario Draghi tuyên bố nước này sẽ tiếp tục ủng hộ các biện pháp trừng phạt đối với Nga, ủng hộ việc Ukraine gia nhập EU, song sẵn sàng tìm ra giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột.
Phát biểu trước Nghị viện châu Âu tại Strasbourg, Thủ tướng Draghi nêu rõ: "Italia dự định triển khai tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh của mình và châu Âu. Chúng tôi ủng hộ các biện pháp trừng phạt mà EU đã quyết định áp đặt đối với Nga, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt trong lĩnh vực năng lượng".
Cũng trong ngày 3/5, phát biểu với báo giới tại Copenhagen sau cuộc gặp với người đồng cấp Đan Mạch Mette Frederiksen, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kêu gọi tìm ra giải pháp ngoại giao đối với cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine.
Gửi phản hồi
In bài viết