Người di cư ngủ trên boong của tàu cứu hộ “Ocean Viking” trên biển Địa Trung Hải ngày 6/11/2022 (Ảnh: SOS Mediterranee/ REUTERS)
Theo EU, mỗi năm có từ 2 đến 3 triệu người từ khắp nơi đến các nước EU một cách hợp pháp để làm việc và học tập, nhưng cũng có hàng nghìn người tìm cách vào châu Âu theo cách thiếu an toàn, thậm chí nguy hiểm. Việc bảo đảm các lộ trình di cư hợp pháp, an toàn và trật tự nhằm khai thác tiềm năng con người là khoản đầu tư thích đáng đối với phát triển, góp phần làm cho châu Âu gắn kết, cạnh tranh hơn.
Trong khi đó, theo Nghị sĩ Đức Manfred Weber, Chủ tịch Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) kiêm lãnh đạo Nhóm EPP tại Nghị viện châu Âu, nếu không hành động ngay, châu Âu sẽ khó tránh cuộc khủng hoảng di cư mới, khi hàng nghìn người di cư và tị nạn từ các quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi vẫn tiếp tục đổ về Lục địa già. Nghị sĩ Đức cho rằng, EU phải tăng cường kiểm soát biên giới, cả trên biển và trên bộ.
Ngày 18/12, Bộ Ngoại giao Ai Cập ra tuyên bố cho biết, quốc gia Bắc Phi này theo đuổi cách tiếp cận toàn diện trong vấn đề người di cư, có tính đến khía cạnh phát triển và giải quyết nguyên nhân gốc rễ của tình trạng di cư bất thường. Tầm nhìn của Ai Cập về di cư dựa trên nhiều yếu tố, trong đó có mục tiêu phát triển quốc gia, coi quyết định di cư như là lựa chọn chứ không phải bắt buộc.
Nhân Ngày Quốc tế người di cư, các chuyên gia Liên hợp quốc nhấn mạnh rằng, các quốc gia phải phối hợp trong việc ngăn chặn tình trạng mỗi năm có hàng nghìn người mất tích trên các hành trình di cư. Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) ước tính, khoảng 35 nghìn người di cư chết hoặc mất tích kể từ năm 2014.
Gửi phản hồi
In bài viết