EU phản đối hoãn luật chống phá rừng

Liên minh châu Âu (EU) đã phản đối lời kêu gọi từ một số ngành công nghiệp và quốc gia về việc trì hoãn chính sách chủ chốt nhằm chống lại tình trạng phá rừng.

Có hiệu lực từ ngày 30-12-2024, Luật chống phá rừng của EU yêu cầu các công ty xuất khẩu đậu nành, thịt bò, cà phê, dầu cọ và nhiều loại sản phẩm khác vào thị trường khối này phải chứng minh chuỗi cung ứng của họ không góp phần phá hủy rừng. Tương tự, các công ty EU sẽ bị cấm xuất khẩu toàn bộ sản phẩm được trồng trên đất bị phá rừng.

Động thái cứng rắn của EU vấp phải nhiều phản đối. Viện dẫn lý do các nhà xuất khẩu trong nước đang gặp khó khăn để thích ứng với các quy định mới, Mỹ đã yêu cầu khối này hoãn lệnh cấm nhập khẩu đậu nành, gỗ và các mặt hàng liên quan đến nạn phá rừng.

Trong lá thư gửi Ủy ban châu Âu, đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Thomas Vilsack và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo kêu gọi hoãn thực hiện luật chống phá rừng và các hình phạt liên quan cho đến khi những thách thức đáng kể được giải quyết.

Tương tự, Liên đoàn Công nghiệp giấy châu Âu (CEPI) cũng muốn trì hoãn chính sách kể trên với lập luận rằng, hệ thống quản lý lệnh cấm của EU vẫn chưa hoàn thiện. Tổng Giám đốc CEPI Jori Ringman cho rằng, các nhà xuất bản sách không thể truy xuất nguồn gốc giấy.

3(2).jpg

Hình ảnh rừng bị tàn phá trái phép tại Maua, ngoại ô Sao Paulo, Brazil hồi cuối tháng 4-2024. Ảnh: Reuters.

Trong động thái phản hồi các thành viên CEPI, Cao ủy châu Âu về môi trường Virginijus Sinkevicius đã thừa nhận những lo ngại như vậy nhưng không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy EU đang cân nhắc quyết định trì hoãn. Ông Virginijus Sinkevicius cũng tiết lộ, việc xây dựng hệ thống trực tuyến cho phép các công ty nộp báo cáo thẩm định đang được tiến hành.

Theo Reuters, chính sách của EU đã chia rẽ các nhà lập pháp và quốc gia thành viên khối. Một số đồng tình với việc trì hoãn ngay cả khi luật chống phá rừng đã được thông qua hồi năm 2023 với đa số ủng hộ.

Bộ trưởng Môi trường Đan Mạch Magnus Heunicke kêu gọi Ủy ban châu Âu không trì hoãn chính sách môi trường đầu tiên trên thế giới, đồng thời đề nghị, Brussels nhanh chóng hoàn thiện các hệ thống kỹ thuật cần thiết.

“Chúng tôi tin rằng quy định này sẽ thực sự thay đổi cuộc chiến chống nạn phá rừng trên toàn cầu”, Bộ trưởng Magnus Heunicke khẳng định.

Cho đến nay, EU vẫn phản đối những lời kêu gọi trì hoãn luật được đánh giá là cần thiết để đưa những cam kết tự nguyện trong ngăn chặn nạn phá rừng thành hành động thực tiễn.

Nhưng các yêu cầu của luật, bao gồm việc nhà sản xuất phải cung cấp dữ liệu định vị địa lý để chứng minh đất của họ không bị phá rừng, đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các quốc gia sản xuất dầu cọ là Indonesia và Malaysia, cũng như nhà sản xuất đậu nành hàng đầu Brazil. Một số nước cho rằng, EU đang áp đặt các rào cản thương mại và gây thêm chi phí cho nền kinh tế.

Các Bộ trưởng Nông nghiệp từ phần lớn các quốc gia EU cũng đã kêu gọi hoãn luật, với lý do sẽ gây hại cho nông dân châu Âu. Theo chính sách này, nông dân EU sẽ bị cấm xuất khẩu sản phẩm được trồng trên các khu rừng bị tàn phá hoặc thoái hóa.

Theo Hà Nội Mới

Tin cùng chuyên mục