Các nhà lãnh đạo EU họp báo sau hội nghị ở Brussels (Bỉ). |
Tại hội nghị, nêu rõ lộ trình xây dựng nền quốc phòng châu Âu ngày càng tự chủ, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa nhấn mạnh mục tiêu tăng cường hợp tác nhằm nâng cao năng lực quốc phòng thông qua chiến lược phát triển công nghệ quân sự hiện đại và khả năng ứng phó độc lập với các mối đe dọa; tối ưu ngân sách quốc phòng bằng cách kêu gọi đầu tư từ khu vực tư nhân và giảm phụ thuộc vào nguồn tài chính công; củng cố quan hệ EU-NATO thông qua xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong công tác phòng thủ chung. Kết quả thảo luận tại hội nghị là định hướng để Ủy ban châu Âu (EC) xây dựng Sách Trắng về quốc phòng, dự kiến được công bố vào tháng 3 tới.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, châu Âu cần tự bảo vệ mình và bảo đảm sự tôn trọng từ các quốc gia khác, nhất là khi lợi ích của châu lục bị đe dọa. Xung đột tại Ukraine và các chính sách của chính quyền mới tại Mỹ đang thúc đẩy châu Âu tự chịu trách nhiệm nhiều hơn đối với an ninh kinh tế và quốc phòng của mình. Ông Macron nhấn mạnh, những tuyên bố gần đây từ Mỹ càng thúc đẩy EU phải đoàn kết và mạnh mẽ hơn trong việc đối phó các vấn đề an ninh chung.
Các nước EU nhất trí về mục tiêu, song vẫn chưa thống nhất được mức độ và cách thức tăng chi tiêu quốc phòng. Một thành viên đề xuất phát hành trái phiếu chung để huy động 500 tỷ euro cho quốc phòng trong thập niên tới, nhưng Ðức phản đối do lo ngại về gánh nặng tài chính. Dù thể hiện quyết tâm tăng cường tự chủ, EU vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản, như chia rẽ về tài chính, áp lực từ các đảng cực hữu và sự phụ thuộc vào công nghệ quân sự Mỹ.
Trong khi đó, Tổng Thư ký NATO Mark Rutte tiếp tục kêu gọi các nước châu Âu tăng đóng góp tài chính cho liên minh. Theo đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump, các thành viên châu Âu dành 5% GDP cho ngân sách quốc phòng, tuy nhiên mục tiêu này bị nhiều nước đánh giá là phi thực tế, trong bối cảnh chi tiêu quân sự của EU đã tăng 20% từ sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine. Lãnh đạo NATO kêu gọi không để tranh cãi thương mại ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực răn đe tập thể của khối đồng minh quân sự.
Gửi phản hồi
In bài viết