Đạo luật Giảm lạm phát sẽ hỗ trợ nhiều cho các công ty sản xuất ô tô điện của Mỹ.
Hồi tháng 8-2022, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật về thuế, y tế và khí hậu, trong đó có khoản chi tiêu kỷ lục 369 tỷ USD cho các chính sách khí hậu và năng lượng. Đạo luật này bao gồm việc miễn trừ thuế đối với xe điện được sản xuất ở Bắc Mỹ, đồng thời hỗ trợ chuỗi cung ứng pin của Mỹ. Cũng nằm trong đạo luật này, mức thuế suất doanh nghiệp tối thiểu sẽ là 15% đối với các công ty có doanh thu trên 1 tỷ USD/năm. Washington cũng tung ra một chính sách khác khuyến khích người Mỹ mua hàng Mỹ (Buy American), đặc biệt là xe ô tô điện do các công ty Mỹ sản xuất. Đối với phía châu Âu, đây là các chính sách bảo hộ công khai của chính quyền Mỹ đối với một số ngành công nghiệp của nước này, nhất là ngành công nghiệp ô tô. Chính sách này sẽ giúp các công ty Mỹ có được lợi thế cạnh tranh không bình đẳng trước các công ty châu Âu, trong một loạt các lĩnh vực, từ chế tạo pin xe ô tô điện đến năng lượng hydrogen xanh.
Tuy EU hoan nghênh cam kết của chính quyền ông Joe Biden trong việc chống lại biến đổi khí hậu, nhưng liên minh này cho rằng “quá trình chuyển đổi xanh không phải là điều gì có thể đạt được bằng cách làm ảnh hưởng tới quyền lợi của bên khác”. Toàn bộ 27 quốc gia thành viên EU đều đồng quan điểm trong việc bày tỏ quan ngại về luật của Mỹ. Ủy ban châu Âu (EC) cáo buộc các kế hoạch của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm thúc đẩy xe điện trong nước là phân biệt đối xử với các nhà sản xuất nước ngoài, vì nó giảm thuế cho người tiêu dùng đối với những mặt hàng sản xuất tại Bắc Mỹ, nhưng không áp dụng với những mặt hàng sản xuất ở EU. Do đó, châu Âu yêu cầu phía Mỹ phải đối xử với các công ty châu Âu hoạt động tại Mỹ giống như với các công ty Mỹ. Phó Chủ tịch điều hành EC Valdis Dombrovskis nói rằng, các bộ trưởng tài chính và kinh tế châu Âu sẽ thảo luận về các biện pháp khuyến khích năng lượng xanh “phân biệt đối xử” của Washington trong bối cảnh lo ngại về sự suy giảm kinh tế đang bao trùm châu lục vào mùa đông này.
Theo Bloomberg, Brussels đã yêu cầu Chính phủ Mỹ loại bỏ các yêu cầu sản xuất mang tính phân biệt đối xử trong đạo luật, vì chúng có thể dẫn đến “các biện pháp có đi có lại hoặc trả đũa”. EC đang tìm kiếm một giải pháp thân thiện cho vấn đề này, mặc dù không loại trừ khả năng đưa vấn đề lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). “Nhiều chính sách của IRA bảo hộ cho “Nước Mỹ trên hết” sẽ làm tổn hại đến sự cạnh tranh và các doanh nghiệp EU, nhất là các ngành công nghiệp xanh và công nghệ sạch. EU có thể tới WTO để giải quyết những vấn đề này nhưng việc giải quyết theo phương pháp song phương là điều quan tâm hơn nhiều”, Fredrik Erixon, Giám đốc Trung tâm Kinh tế chính trị quốc tế châu Âu, nhận định trên CNBC.
Hiện tại, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thừa nhận, Mỹ đã ghi nhận được các quan ngại từ phía châu Âu và một số đối tác như Hàn Quốc liên quan đến IRA. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ hủy bỏ hoặc thu hẹp phạm vi điều chỉnh của đạo luật. Tuy nhiên, EC và Mỹ đã thành lập một nhóm đặc trách để giải quyết những lo ngại của EU về IRA. Theo EC, cả hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ chuỗi cung ứng bền vững và linh hoạt trên khắp Đại Tây Dương. Rõ ràng, cả Mỹ lẫn châu Âu đều không mong muốn sự bất đồng này bùng nổ thành một cuộc chiến thương mại vào thời điểm địa chính trị có nhiều bất ổn.
Gửi phản hồi
In bài viết