Châu Á
Tình hình dịch bệnh tại nhiều nước châu Á đang diễn biến hết sức phức tạp. Đặc biệt, ngày 25-4, Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất thế giới, 349.691 ca, cũng là cao nhất trong ngày ở Ấn Độ từ trước tới nay.
Đây là ngày thứ tư liên tiếp số ca nhiễm mới theo ngày tại quốc gia Nam Á này vượt con số cao chưa từng thấy của ngày hôm trước, trong khi nhiều bệnh viện ở thủ đô New Delhi và trên khắp cả nước từ chối tiếp nhận bệnh nhân do thiếu giường bệnh và ô xy. Trước tình hình trên, Thủ hiến New Delhi Arvind Kejriwal đã quyết định gia hạn thêm 1 tuần lệnh phong tỏa tại thành phố này nhằm kiểm soát dịch bệnh.
Ngày 25-4, Ủy ban châu Âu (EC) đã kích hoạt Cơ chế bảo vệ dân sự Liên minh châu Âu (EU) đồng thời tìm cách đưa ô xy và thuốc men sang hỗ trợ Ấn Độ sau khi nhận được lời đề nghị từ quốc gia Nam Á này. Cơ chế bảo vệ dân sự EU cho phép các nước trong liên minh hợp tác viện trợ trong trường hợp khẩn cấp.
Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ khẩn cấp cho Ấn Độ. Tuy nhiên, chưa rõ chi tiết việc hỗ trợ của nền kinh tế lớn nhất EU này. Theo tuần báo Der Spiegel, lực lượng vũ trang nước này đã nhận được đề nghị hỗ trợ tổ chức cung ứng ô xy. Trong khi đó, Pakistan đã đề nghị hỗ trợ y tế cho nước láng giềng Ấn Độ.
Cùng ngày, Nhà Trắng cho biết, Mỹ sẽ "ngay lập tức" cung cấp các nguyên liệu thô để sản xuất vắc xin ngừa Covid-19, cũng như các phương pháp trị liệu, bộ xét nghiệm, máy thở và thiết bị bảo vệ có sẵn cho Ấn Độ.
Trong khi đó, giới chức Lào và Thái Lan hết sức cảnh giác trước trước tình trạng số ca nhiễm mới gia tăng. Lào đang tăng cường năng lực ứng phó với dịch bệnh như tăng số phòng điều trị bệnh nhân nặng, xây dựng bệnh viện dã chiến, kêu gọi người dân hạn chế ra đường và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp y tế phòng dịch. Ban chỉ đạo quốc gia Lào về phòng chống Covid-19 chiều 25-4 xác nhận nước này có thêm 76 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2, trong đó có 64 ca ở thủ đô Viêng Chăn...
Điều đặc biệt lo ngại là số tỉnh có ca mắc mới ngày một tăng, cho thấy bệnh dịch đang có xu hướng lan rộng tại Lào, trong đó có nhiều tỉnh tiếp giáp Việt Nam (Lào và Việt Nam mỗi bên có 10 tỉnh tiếp giáp nhau). Đến thời điểm hiện tại, đã có 16/18 tỉnh/thành của Lào thực hiện phong tỏa và giới nghiêm.
Ủy ban Về các bệnh truyền nhiễm của Thái Lan đã quyết định đình chỉ việc tiếp nhận tất cả những người nước ngoài từ Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh nhập cảnh vào quốc gia Đông Nam Á này để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm một biến thể của vi rút SARS-CoV-2 mới xuất hiện. Theo báo cáo mới nhất, trong 24 giờ qua, Thái Lan ghi nhận thêm 2.438 ca nhiễm và 11 ca tử vong do Covid-19.
Trước nguy cơ thiếu giường bệnh dành cho bệnh nhân Covid-19, các cơ quan chức năng của Thái Lan đang chạy đua với thời gian để nâng khả năng tiếp nhận với mục tiêu chính là tăng số giường ICU điều trị bệnh nhân nặng, thành lập các bệnh viện dã chiến và chuyển đổi một số khách sạn thành bệnh viện - khách sạn dành cho những bệnh nhân nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Dịch Covid-19 đã lan ra khắp 22/25 tỉnh, thành phố của Campuchia, trong đó tỉnh Banteay Meanchey giáp giới với Thái Lan lần đầu tiên đã công bố một số điểm nóng dịch bệnh. Theo số liệu do Bộ Y tế Campuchia công bố chiều 25-4, số ca nhiễm mới theo ngày ở nước này vẫn ở mức 3 chữ số, với 616 trường hợp.
Trong khi đó, Malaysia, Indonesia và Philippines tiếp tục ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới, phần lớn là lây nhiễm trong cộng đồng. Trong tuần tới, lực lượng chống Covid-19 liên ngành của Philippines sẽ đưa ra quyết định về gia hạn hay nới lỏng các biện pháp phong tỏa tại khu vực Thủ đô Manila cùng 4 tỉnh có tỷ lệ lây nhiễm cao.
Châu Mỹ
Theo AP ngày 25-4, Bộ Y tế Costa Rica thông báo ghi nhận thêm 1.830 ca mắc Covid-19, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, trong bối cảnh các bệnh viện công đang gần như rơi vào tình trạng quá tải.
Quốc gia Trung Mỹ với 5 triệu dân này đã ghi nhận tổng cộng 238.760 ca mắc và 3.143 ca tử vong do Covid-19. Phát biểu trên truyền hình, Bộ trưởng Y tế Daniel Salas cho biết, nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, các phương tiện ô tô sẽ không được phép lưu thông trên đường trong thời gian từ 21h đến 5h sáng hôm sau. Tuy nhiên, nhà chức trách sẽ không áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt hơn nhằm tránh gây tổn hại cho nền kinh tế. Ông lưu ý các nguồn lực của chính phủ nhằm hỗ trợ tài chính đã cạn kiệt hồi năm ngoái.
Châu Âu
Ngày 25-4, Bộ trưởng phụ trách Tị nạn và Nhập cư của Bỉ Sammy Mahdi, đã yêu cầu Ủy ban phòng chống Covid-19 tạm thời cấm sinh viên nước ngoài đến Bỉ để theo học các khóa học hay thực tập. Đề nghị này được đưa ra sau khi nước này ngày 22-4 phát hiện 20 sinh viên trong nhóm 43 sinh viên Ấn Độ đến Bỉ học 1 năm chuyên ngành y tá đã nhiễm biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 ở Ấn Độ.
Mặc dù những sinh viên này đang được cách ly, song Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Annelies Verlinden đang cân nhắc tăng cường các biện pháp cách ly bắt buộc đối với những người đến từ một số khu vực có nguy cơ đại dịch cao.
Đáng lo ngại, Thụy Sĩ đã ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể của vi rút SARS-CoV-2 được phát hiện tại Ấn Độ. Ca bệnh này là một hành khách quá cảnh hàng không tại Thụy Sĩ và không đến trực tiếp từ Ấn Độ.
Nhà chức trách Thụy Sĩ đang tiến hành tham vấn về việc liệu có đưa Ấn Độ vào danh sách các nước có nguy cơ cao, theo đó, người dân đến từ quốc gia Nam Á này sẽ phải cách ly ngay tại điểm đến.
Cùng ngày, Italia cũng đã áp đặt hạn chế đi lại với Ấn Độ, cấm những người từng ở Ấn Độ trong 14 ngày qua nhập cảnh quốc gia châu Âu này.
Tại Đức, Bộ Tư pháp liên bang Đức đang đề xuất quy định mới, theo đó một số hạn chế nghiêm ngặt trong công tác phòng dịch có thể được loại bỏ đối với những người đã được tiêm đủ mũi vắc xin ngừa Covid-19.
Gửi phản hồi
In bài viết