Đội tuyển Đức sẽ có cuộc đối đầu kịch tính với Pháp vào lúc 2 giờ sáng ngày 16-6. (Ảnh: UEFA)
Nhìn lại lịch sử trên mặt trận EURO, người khổng lồ Đức đã từng khuynh đảo toàn cõi châu Âu ở thế kỷ trước với ba lần giành chức vô địch vào các năm 1972, 1980 và 1996 khiến cả châu Âu ghen tị.
Nils Lennart Johansson - người có năm nhiệm kỳ là chủ tịch UEFA đã có lần thốt lên: "Phải mất bao lâu để có một đội tuyển đuổi kịp nước Đức về danh hiệu vô địch châu Âu?”
Thời điểm đó trở về trước, người Đức có một hệ tư tưởng rất bền bỉ và khoa học. Bóng đá Đức gặt hái nhiều thành công dựa trên hai yếu tố đó qua những thế hệ vàng của thế kỷ trước.
Những Meier, Beckenbauer, Gred Müller, Heynckes, Vogts, Breitner, Schuster, Rummenigge , Hrubesch của 1972-1976-1980 và Kopke, Reuter, Helmer, Kohler, Sammer, Moller, Klinsmann của 1996 đã biến đội Đức thành gã khổng lồ trên sân bóng khi mà sự lạnh lùng và bản lĩnh của họ đã chạm tới đỉnh của sự hoàn hảo.
Ngày nay, khi tư duy bóng đá tiến lên thương mại, người Đức cũng ít nhiều bị chi phối bởi những vấn đề liên quan đến tài chính và bóng đá Đức, vì thế cũng bị những rào cản thương mại vây quanh.
Tư duy thương mại đã đem lại cho nước Đức một hệ thống siêu hiện đại và bài bản, một hệ thống cho ra đời nhiều thế hệ trẻ đầy tài năng nhưng ít nhiều thiếu đi bản lĩnh, thiếu đi 'chất Đức' vốn là thế mạnh của họ.
Sau cuộc cải tổ mang tên Jugen Klinsmann tiếp tục được kế thừa và hoàn thiện bởi Joachim Loew, bóng đá Đức đã hái được quả ngọt với chức vô địch World Cup 2014 tại Brazil.
Nhưng tại giải châu Âu hai năm sau đó, người Đức đã phải dừng chân ở bán kết sau trận thua 0-2 trước chủ nhà Pháp. Và họ đã có những năm tháng vô cùng tồi tệ khi bị loại ngay tại vòng bảng World Cup 2018 với vị trí cuối. Kế tiếp là chuỗi trận thi đấu bết bát tại Nations League Cup...
Ở đội hình Đức năm nay, những ngôi sao mới (Leroy Sané, Sergna Gnabry...) chưa thể hiện được nhiều, những cựu công thần của chức vô địch 2014 (bao gồm cả Mats Hummels và Thomas Mueller vừa được gọi lại) bên cạnh lứa đã nổi từ 2016 (Kimmich, Leon Goretzka...)... tất cả còn thiếu đi sự gắn kết. Và toàn bộ máy Đức chưa có một hệ thống chiến lược đúng để nó có thể vận hành được trơn tru...
Người hâm mộ Đức giờ đây chỉ còn neo mơ ước để tin rằng, bất luận thế nào, ở tuyển Đức vẫn còn đó bản chất của kẻ thống trị và ở thời khắc cần thiết, bản lĩnh đó sẽ được khơi dậy mạnh mẽ để Die Mannschaft có thể một lần nữa giơ cao chiếc cúp EURO trên quê hương của bóng đá.
Gửi phản hồi
In bài viết