Các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 tại lâu đài Elmau thuộc bang Bayern (Đức), ngày 26/6/2022. (Ảnh: REUTERS)
Trong cuộc họp báo chung sau khi kết thúc 1 phiên thảo luận của Hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng một số nhà lãnh đạo G7 đã công bố sáng kiến “Quan hệ đối tác về cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu”.
Trọng tâm của dự án này, ngoài các khoản đầu tư cho lĩnh vực bảo vệ khí hậu, là chương trình đầu tư cho hệ thống giao thông, y tế và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.
Một quan chức ngoại giao Mỹ cho hay, sáng kiến trên chủ yếu hướng tới các nước có thu nhập thấp và trung bình, với mục tiêu hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó các quốc gia tiếp nhận dự án “không bị điều khiển từ bên ngoài”.
Các dự án sẽ phải tuân theo những tiêu chuẩn cao “để bảo đảm rằng các khoản đầu tư này được định hướng về mặt kinh tế, thương mại và không dẫn đến nguy cơ bẫy nợ”.
Ý tưởng về chương trình đầu tư toàn cầu xuất hiện tại Hội nghị thượng đỉnh G7 hồi năm ngoái tại Anh. Tới hội nghị năm nay, những chi tiết của dự án đã được hoàn thiện.
Tổng thống Biden tuyên bố cho tới năm 2027, sẽ có tổng cộng khoảng 600 tỷ USD được đầu tư. Riêng Mỹ mong muốn cung cấp khoảng 200 tỷ USD vốn đầu tư công và đầu tư tư nhân cho chương trình này trong vòng 5 năm tới.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, Liên minh châu Âu (EU) muốn đầu tư khoảng 300 tỷ USD.
Ngay trước khi Tổng thống Biden công bố kế hoạch trên, Nhà Trắng tuyên bố: “Từ nay đến năm 2027, Mỹ cùng với các đối tác G7 đặt mục tiêu huy động 600 tỷ USD dành cho chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu. Đây sẽ chỉ là bước khởi đầu. Mỹ và đối tác trong Nhóm G7 cũng sẽ nỗ lực huy động hàng trăm tỷ USD vốn bổ sung từ các đối tác cùng chí hướng khác, các ngân hàng phát triển đa phương và tổ chức tài chính phát triển, các quỹ đầu tư quốc gia và hơn thế nữa”.
Truyền thông Đức đưa tin, 2 quốc gia thành viên G7 là Anh và Pháp không tham gia vào dự án đầu tư khổng lồ do Mỹ khởi xướng.
Gửi phản hồi
In bài viết