Hội nghị thượng đỉnh G7 ở thành phố Fasano, Puglia, miền nam Italia, ngày 13/6/2024. (Ảnh: Kyodo/TTXVN) |
Tuyên bố của G7 nêu rõ các khoản vay này sẽ được cung cấp và hoàn trả thông qua các nguồn thu bất thường trong tương lai từ số tài sản của Nga bị đóng băng sau xung đột. Mục tiêu là đến cuối năm nay sẽ bắt đầu giải ngân các khoản tiền.
Cụ thể, số tiền trên sẽ được giải ngân thông qua loạt khoản vay song phương, bắt đầu sớm nhất là vào ngày 1/12 và tiếp tục cho đến hết năm 2027 theo từng đợt, dựa trên nhu cầu tài chính cấp bách của Ukraine. Mỗi khoản vay song phương sẽ có hiệu lực chậm nhất là ngày 30/6/2025, tạo điều kiện linh hoạt về thời gian để các thành viên G7 sắp xếp các chi tiết kỹ thuật.
Tuyên bố được đưa trong bối cảnh các nhà lãnh đạo tài chính đang tập trung tại Washington (Mỹ) để tham dự các cuộc họp của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
G7 đưa ra quyết định trên nhằm thực thi thỏa thuận đã đạt được vào tháng 6 giữa các nhà lãnh đạo G7 trong hội nghị thượng đỉnh thường niên ở miền nam Italia để khai thác thu nhập từ các tài sản bị đóng băng của Nga để hỗ trợ Ukraine.
Khoảng 260 tỷ euro (280,62 tỷ USD) tài sản của Nga, trong đó có dự trữ của ngân hàng trung ương nước này đã bị đóng băng theo các lệnh trừng phạt được áp đặt sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát. Phần lớn các tài sản đó nằm ở Euroclear - trung tâm lưu ký chứng khoán có trụ sở tại Bỉ.
Cùng ngày, Ấn Độ và Đức đã bày tỏ quan ngại về xung đột ở Ukraine, cũng như những tác động nhân đạo của vấn đề này.
Trong tuyên bố chung được Bộ Ngoại giao Ấn Độ công bố sau Cuộc tham vấn liên chính phủ Ấn Độ-Đức lần thứ 7 ở New Delhi, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Đức Olaf Scholz đã nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về nền hòa bình toàn diện, lâu dài, đồng thời nêu bật những tác động của xung đột Ukraine đối với an ninh lương thực và năng lượng toàn cầu, đặc biệt ảnh hưởng đến các quốc gia đang phát triển và kém phát triển nhất.
Gửi phản hồi
In bài viết