Các lãnh đạo G7 thống nhất cho Ukraine vay 50 tỷ USD từ tài sản bị đóng băng của Nga. Ảnh: Reuters
Thông báo trên được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh thường niên của nhóm G7 (gồm Mỹ, Anh, Đức, Italia, Canada, Nhật Bản, Pháp) và đối tác thứ 8 không chính thức là Liên minh châu Âu (EU). Tính đến cuối tháng 2-2024, các nhà tài trợ châu Âu đã phân bổ 89,9 tỷ euro hỗ trợ quân sự, nhân đạo và tài chính cho Ukraine kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt. Mỹ đã phân bổ gần 68 tỷ euro (73,7 tỷ USD) và sau những tranh cãi kéo dài tại nghị trường, tháng 4 vừa qua, Washington phê duyệt thêm 61 tỷ USD viện trợ cho quốc gia Đông Âu này. Đóng góp của Mỹ và châu Âu chiếm hơn 95% tổng số viện trợ cho Ukraine. Vào thời điểm kinh tế tăng trưởng chậm chạp và cuộc chiến tiếp tục kéo dài, sự ủng hộ dành cho Ukraine đã suy yếu. Do đó, việc sử dụng lợi nhuận từ tài sản của Nga được đưa ra xem xét.
Khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát vào năm 2022, các chính phủ phương Tây đã phong tỏa khoảng 300 tỷ USD tài sản của Nga như một phần của lệnh trừng phạt - bao gồm tiền, chứng khoán, vàng và trái phiếu, chủ yếu được nắm giữ tại các ngân hàng ở châu Âu. Quyết định dùng lợi nhuận từ tài sản đóng băng của Nga để viện trợ cho Ukraine được đưa ra sau khi một số thành viên EU phản đối ý tưởng của Mỹ và Anh về việc tịch thu tài sản của Nga để hỗ trợ Kiev. Lãnh đạo các nền kinh tế G7 đồng ý sử dụng tiền lãi từ các tài sản này, khoảng 3 tỷ USD mỗi năm để giúp Ukraine, đồng thời cho rằng Nga không thể tiếp cận các tài sản bị đóng băng của mình cho đến khi nước này thanh toán đầy đủ các khoản bồi thường cho thiệt hại gây ra ở Ukraine.
Ukraine đang cạn kiệt nguồn lực, dự kiến sẽ phải tăng thuế thu nhập, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế doanh thu và các khoản thuế gián tiếp khác. Quốc gia Đông Âu này sẽ sử dụng khoản vay 50 tỷ USD vừa được G7 hỗ trợ để mua vũ khí cũng như tái thiết đất nước. Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính chi phí tái thiết đất nước này lên tới 486 tỷ USD trong 10 năm tới.
Phản ứng về động thái này của G7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố, Mátxcơva coi những nỗ lực của phương Tây nhằm lấy thu nhập từ tài sản bị phong tỏa của nước này là phạm tội, đồng thời cảnh báo đòn đáp trả của Nga sẽ rất “đau đớn” đối với Liên minh châu Âu. Mátxcơva trước đó đã cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng nếu các nhà lãnh đạo phương Tây thực hiện đề xuất này.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde cho rằng, việc tịch thu toàn bộ lợi nhuận "đặt ra một tiền lệ rất xấu và nó thực sự vi phạm các quy định của pháp luật về chủ quyền quốc gia”. Nếu Nga giành lại quyền kiểm soát tài sản của mình hoặc nếu tài sản đó không bị phong tỏa như một phần của các cuộc đàm phán hòa bình, các nước G7 sẽ phải tìm cách khác để trả khoản vay. Nếu tài sản bị đóng băng của Nga không tạo ra thu nhập cần thiết phù hợp với lãi suất cho vay do biến động của thị trường thì các quốc gia G7 lại phải tìm những cách khác để tài trợ cho việc trả nợ.
Các biện pháp trừng phạt đối với tài sản của Nga ở châu Âu cần có sự chấp thuận của EU hằng năm. Về lý thuyết, chỉ một phiếu phủ quyết từ Hungary - một thành viên EU được coi là mềm mỏng với Tổng thống Nga Vladimir Putin - có thể phá hủy các kế hoạch cho Ukraine vay. Bên cạnh đó, Nga cũng có thể sẽ làm điều tương tự, đó là sử dụng tài sản phương Tây ở Nga để bù đắp cho việc mất doanh thu từ tài sản bị đóng băng. Mặc dù Nga không có quyền tiếp cận nhiều tài sản từ các ngân hàng trung ương châu Âu nhưng Mátxcơva cho biết họ có tài sản của các công ty phương Tây hoạt động ở Nga trước xung đột. Nga tuyên bố những tài sản này có giá trị gần bằng 300 tỷ USD tài sản của Nga bị phong tỏa ở phương Tây.
Nhóm G7 vẫn đang nghiên cứu chi tiết về cách thức và thời điểm phân phối lợi nhuận từ tài sản đóng băng của Nga. Hiện có nhiều quan ngại về sự suy giảm niềm tin vào các tổ chức ngân hàng phương Tây và nguy cơ gặp phải phản ứng dữ dội về mặt pháp lý từ Mátxcơva.
Gửi phản hồi
In bài viết