Phát triển du lịch từ vùng cây ăn quả
Anh Đinh Ngọc Quân, thôn Phúc Lộc B, xã An Khang (TP Tuyên Quang) cho biết những năm trước, trên diện tích 1.000 mét vuông, gia đình anh chỉ trồng ngô, năm nào được mùa thì cho năng suất khoảng 1 tấn, mang lại thu nhập khoảng 7 triệu đồng/năm. Sau khi đi tham quan, học hỏi tại Lạng Sơn, Bắc Giang trở về, anh đã mạnh dạn phá bỏ toàn bộ diện tích ngô để trồng gần 300 gốc nho Hạ Đen không hạt.
Vườn cho thu hoạch đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhu cầu du lịch tại chỗ của người dân tăng cao, lượng khách biết và tìm đến nhà vườn của anh check-in rất đông. Chính từ những tấm hình check-in của những người trẻ tại vườn nho đã tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi trên mạng xã hội, vườn nho của gia đình anh được nhiều người biết đến. Nhờ vậy, đầu ra của cây nho Hạ Đen không hạt dù bán buôn hay bán lẻ đều thuận lợi hơn. Anh Quân bảo: Cây nho nếu chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, cho năng suất cao, có thể mang lại thu nhập cao gấp từ 5 đến 10 lần so với trồng ngô trên cùng một đơn vị diện tích đất.
Du khách check-in tại vườn Nho Hạ Đen của gia đình anh Đinh Ngọc Quân, thôn Phúc Lộc B, xã An Khang (TP Tuyên Quang).
Đến thăm "vựa" Thanh long của Tổ hợp tác sản xuất thanh long ruột đỏ Yên Phú (Hàm Yên), chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước những đồi thanh long trải dài vút tầm mắt. Anh Đỗ Văn Hưng, tổ trưởng tổ hợp tác cho biết: tổ hợp tác bắt đầu trồng thanh long từ năm 2016. Với 10 thành viên, 7 ha đất vườn đồi, hiện tổ có khoảng 7.000 trụ thanh long, năng suất bình quân khoảng 20 tấn/ha/1 năm; 1 năm cho thu hoạch 5 vụ, với hơn trăm tấn quả, giúp tạo công ăn việc làm cho 15 lao động thường xuyên từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm với mức thu nhập bình quân 220 ngàn đồng/1 người/1 ngày. Cùng với đó, vườn thanh long cũng thu hút sự quan tâm lớn của học viên các lớp tập huấn của tỉnh; du khách các tỉnh bạn như Lạng Sơn, Sa Pa, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Quảng Ninh cùng các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh, của huyện (Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội CCB; Hội Nông dân…) đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Nhận thấy mô hình vườn mẫu trồng thanh long ruột đỏ ở Minh Phú mang lại hiệu quả kinh tế cao, Dự án phát triển khu vực nông thôn của tỉnh; tổ chức KOICA (Hàn Quốc) đã hỗ trợ tổ hợp tác hệ thống tưới tự động, hệ thống điện thắp sáng để thanh long ra trái vụ. Anh Hưng bảo, trước đây anh từng trồng keo, cam, cây sơn… mỗi năm chỉ cho thu hoạch vài chục triệu đồng. Nay thanh long bén duyên đất Yên Phú, mỗi năm, với giá bán trung bình 15.000 đồng/1 kg, trừ chi phí, tổ hợp tác của anh thu lãi trên 800 triệu đồng/năm.
Đồng chí Vũ Văn Sỹ, Chủ tịch UBND xã Yên Phú (Hàm Yên) cho biết: Trước đây, Yên Phú chỉ có 3 hộ trồng cây trái gắn với phát triển du lịch. Đến nay toàn xã đã có gần 10 hộ phát triển theo mô hình này. Yên Phú thuận lợi là có nhiều mô hình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP; mô hình vườn mẫu của xã trù phú, phát huy hiệu quả tích cực, chất lượng nông sản tốt. Lãnh đạo xã luôn quan tâm, khuyến khích mở rộng hơn mô hình này, vừa hỗ trợ tạo việc làm, vừa quảng bá, giải quyết vấn đề đầu ra, nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Khai thác tiềm năng du lịch
Chị Hoàng Thúy Nga, tổ 7, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) cho biết: Chị rất thích thú mỗi khi được "lạc" vào những vườn cây trái ngay tại quê hương mình. Mùa nào thức nấy, được tự tay hái những chùm nho, những trái dâu tây tươi mọng, thưởng thức hương vị trái cây tươi ngay tại vườn; được check-in bên những đường hoa rực rỡ sắc màu, hiểu hơn quy trình sản xuất trái cây sạch, an toàn… luôn mang đến cho chị cảm giác xúc động đặc biệt…
Đến với Tuyên Quang dịp Lễ hội Thành Tuyên, du khách có thể ghé thăm các điểm du lịch nông nghiệp Cây và hoa, xã Hợp Thành (Sơn Dương), trải nghiệm hái bưởi, hồng tại Yên Sơn, check-in và trải nghiệm sao chè tại Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang)...
Để khai thác lợi thế tự nhiên, nhiều năm nay gia đình anh Đào Xuân Cường, thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái (Na Hang) đã tạo nên sự đổi thay ngoạn mục từ việc chuyển đổi trồng cây trái nông nghiệp đơn thuần sang làm dịch vụ từ những mùa hoa lê Hồng Thái. Gia đình anh có diện tích 1,4 ha đất vườn đồi, 20 năm qua, anh đã sở hữu một vườn lê với trên 100 gốc lê. Anh Cường bảo mấy năm gần đây, du khách tìm đến với vườn lê quanh năm, đặc biệt vào dịp cuối tuần để thưởng ngoạn nét yên ả, thanh bình của không gian xanh, dịu mát. Để tạo thêm những điểm nhấn cho khu vườn, anh Cường đã trồng thêm các loại hoa mua Thái, hoa sim rừng. Gần đây, gia đình anh đã được hỗ trợ hệ thống tưới tiêu tự động cho vườn lê, cùng với đó, gia đình anh đã mở thêm dịch vụ cho du khách thuê trang phục truyền thống của đồng bào Dao Tiền, phục vụ việc chụp ảnh check-in tại vườn. Năm 2022, đã mang lại cho gia đình anh nguồn thu trên 100 triệu đồng từ chăm sóc vườn lê gắn với phát triển du lịch.
Tuy nhiên, hiện nay quy mô của các nhà vườn còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, công tác tuyên truyền quảng bá còn nhiều bất cập, các điểm đến chưa có các hoạt động khám phá, trải nghiệm, chưa có các dịch vụ vui chơi, ăn uống đi kèm, chưa quy hoạch đồng bộ các hạng mục phục vụ phát triển du lịch. Thời gian tới, để tiếp tục xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan trải nghiệm, sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 16/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các ngành, các địa phương, đơn vị để hiện thực hóa những nỗ lực của người dân trong việc quy hoạch phát triển mô hình du lịch nhà vườn, góp phần làm phong phú hơn các sản phẩm du lịch của tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết