Trong 11 tháng đầu năm 2022, 919.071 người tại Indonesia mất việc làm do bị sa thải. (Ảnh: Reuters)
Số liệu này dựa vào lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp được nộp cho Cơ quan An sinh xã hội BPJS Ketenagakerjaan.
Ngày 3/1, phát biểu họp báo trực tuyến về Sắc lệnh tổng thống về tạo việc làm, Chủ tịch APINDO, ông Hariyadi B Sukamdani cho hay việc sa thải hàng loạt này là do đại dịch Covid-19 tiếp tục tác động đến các công ty địa phương.
Theo ông Hariyadi, nguyên nhân khác xuất phát từ sự sụt giảm trong hoạt động xuất khẩu. Ngoài ra, việc sa thải hàng loạt cũng là hệ quả gián tiếp từ đợt tăng lương tối thiểu cấp tỉnh, buộc các công ty phải thu hẹp quy mô.
Để ngăn tình trạng sa thải lan rộng hơn nữa, Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani cho hay, Bộ này sẽ sử dụng “không gian tài chính” còn lại của năm 2022. Bà Mulyani tiết lộ rằng ngân sách nhà nước vẫn còn khoảng 1.200.000 tỷ rupiah (76,8 tỷ USD) tính đến tháng 11/2022. Số tiền này sẽ được sử dụng cho trợ cấp xã hội để vận hành như một “bộ đệm xã hội” để hỗ trợ cho người dân.
Cựu Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) này nói rõ: “Chúng tôi sẽ xem còn bao nhiêu không gian nữa để tăng tốc chi tiêu ngân sách cho các chương trình trợ giúp xã hội”.
Cũng theo bà Mulyani, ngoài ra, ngân sách nhà nước cũng sẽ được dành để kích thích môi trường kinh doanh. Các chính sách kích thích sẽ tiếp tục được duy trì trong khuôn khổ chương trình phục hồi kinh tế quốc gia (PEN).
Gửi phản hồi
In bài viết