Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Nguyễn Thị Hương, phát biểu tại cuộc họp báo. (Ảnh: QUANG HƯNG).
Tại cuộc họp báo sáng 29/9 về tình hình kinh tế - xã hội quý III và chín tháng năm 2021, Tổng cục Thống kê cho biết, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư đã ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết các địa phương. Khả năng không hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2021 là hiện hữu.
GDP quý III giảm sâu
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, trong bối cảnh nhiều địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phải giãn cách kéo dài, GDP chín tháng năm 2021 ước tính chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước là một thành công lớn trong bối cảnh vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì sản xuất kinh doanh.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%, đóng góp 23,52% vào tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%, đóng góp 98,53%; khu vực dịch vụ giảm 0,69%, làm giảm 22,05% tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng dẫn dắt với tốc độ tăng 6,05%, đóng góp 1,53 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Riêng khu vực dịch vụ có mức tăng trưởng âm do những ngành chiếm tỷ trọng lớn như bán buôn, bán lẻ, vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú, ăn uống vẫn chưa thể phục hồi.
Đáng lưu ý, tăng trưởng GDP quý III ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất từ năm 2000 đến nay.
Trong các khu vực kinh tế, chỉ duy nhất có khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì mức tăng trưởng dương 1,04% trong quý III.
Khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng đều có mức tăng trưởng âm. “Không còn là nguy cơ nữa, chuỗi cung ứng đã đứt gãy, sản xuất công nghiệp của nhiều tỉnh, thành phố là trung tâm kinh tế lớn của cả nước trong quý III đều tăng trưởng âm”, Vụ trưởng Thống kê Công nghiệp và Xây dựng Phạm Đình Thúy nói.
Đại dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động đầu tư. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội chín tháng chỉ tăng 0,4% so cùng kỳ năm trước do nhiều địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội làm đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng của hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư.
Hoạt động xuất khẩu cũng chịu tác động tiêu cực, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục nhập siêu 2,13 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 16,66 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 21 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 18,87 tỷ USD.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân chín tháng tăng 1,82% so cùng kỳ, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Từ kết quả này, Tổng cục Thống kê đánh giá hoàn toàn có khả năng đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm dưới 4%.
Nền tảng để phục hồi ngay từ quý IV
Điểm tích cực của bức tranh kinh tế là trong tháng 9, nhiều địa phương bắt đầu nới lỏng dần giãn cách xã hội từ áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg xuống Chỉ thị số 15/CT-TTg nên hoạt động thương mại trong nước và vận tải hành khách và hàng hóa đều tăng so với tháng trước. Hoạt động vận tải có những tín hiệu tích cực hơn với mức tăng trưởng cả về sản lượng vận tải hành khách và hàng hóa.
Các nhà thầu triển khai thi công dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. (Ảnh: QUANG HƯNG)
Trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động lớn từ đại dịch, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đều gặp khó khăn, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã gia tăng trở lại với mức tăng 4,4%. Tổng số vốn thu hút mới và vốn điều chỉnh đều tăng mạnh, thể hiện niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh Việt Nam tiếp tục được củng cố.
Từ đầu năm đến nay, một số địa phương vẫn thu hút được dự án đầu tư lớn quy mô tỷ đô ở cả hoạt động đăng ký dự án mới và điều chỉnh tăng vốn của nhà đầu tư hiện hữu.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy: Dự kiến quý IV/2021, có 43,4% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý III/2021; 26,3% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 30,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lạc quan nhất với 79,4% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2021 tốt hơn và giữ ổn định so với quý III/2021; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước lần lượt là 71,8% và 68,8%.
Trên cơ sở phân tích các dữ liệu thống kê, bà Chu Thị Hải Vân, Phó vụ trưởng Công nghiệp xây dựng khẳng định, Việt Nam vẫn duy trì được lợi thế về ổn đỉnh chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô và lực lượng lao động dồi dào cùng thị trường tiêu thụ rộng lớn với quy mô 100 triệu dân, năng suất lao động đang được cải thiện. Đặc biệt, đã có sự chuyển hướng quan trọng trong chiến lược chống dịch Covid-19, các địa phương đồng loạt mở cửa trở lại từ ngày 1/10 ở mức thận trọng, nên những khó khăn hiện nay chỉ là nhất thời.
“Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến toàn thế giới. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch và sự chia sẻ của doanh nghiệp, tôi cho rằng không có chuyện nhà đầu tư nước ngoài rời thị trường Việt Nam như một số nhận định vừa qua”, bà Chu Thị Hải Vân nói.
Trong các giải pháp được đề xuất nhằm phục hồi kinh tế ngay từ quý IV, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất có thể, Tổng cục trưởng Thống kê Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh phải kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 cùng với xây dựng và hướng dẫn khung y tế chung để các cấp, các ngành có cơ sở tạo lập phản ứng ban đầu ngay khi dịch bùng phát. Phản ứng này phải nhanh và đúng quy trình như dập lửa, cần đánh giá, rút kinh nghiệm trong thực tiễn chống dịch thời gian qua.
Chiến lược chống dịch trong giai đoạn mới phải đi cùng nhiệm vụ khôi phục kinh tế. Điều nguy hiểm nhất của đại dịch Covid-19 là tạo ra sự phân rã giữa mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi tập thể, mỗi quốc gia, từ đó làm đứt gãy mọi hoạt động kinh tế nên trong mọi tình huống, phải có biện pháp chống đứt gãy, tăng cường hoạt động kinh tế ở lĩnh vực đầu tư, du lịch.
Gửi phản hồi
In bài viết