(Ảnh minh họa)
Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 292.439 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 112 ca tử vong. Như vậy, so với tuần 43, số ca mắc sốt xuất huyết tuần này tăng khoảng hơn 10.000 ca, số tử vong tăng 2 ca, con số này tương đương với tuần trước đó.
So với cùng kỳ năm 2021 (56.240/21), số mắc sốt xuất huyết tăng 4,8 lần, số tử vong tăng 91 trường hợp.
Hà Nội là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng mạnh của cả nước. Nếu như đầu tháng 9/2022, số ca mắc khoảng 500-700 trường hợp/tuần, thì đến cuối tháng 10 đã tăng lên 1.200 -1.400 ca/tuần.
Trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 1.312 ca mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong, số mắc tăng 8,9% so với tuần trước (1.205).
Bệnh nhân ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã, trong đó Hà Đông (148), Thanh Oai (127), Phú Xuyên (110), Đống Đa (101) là những quận có số mắc khá cao.
Cũng trong tuần, thành phố ghi nhận thêm 58 ổ dịch mới tại: Hoàng Mai (16), Thanh Oai (6), Bắc Từ Liêm (5), Hà Đông (5), Thanh Trì (5), Hai Bà Trưng (5), Chương Mỹ (3), Đống Đa (3), Phú Xuyên (2), Long Biên (2), Hoài Đức (2), Gia Lâm (1), Đan Phượng (1), Phúc Thọ (1), Tây Hồ (1).
Như vậy tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 871 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện. Hiện tại còn 143 ổ dịch đang hoạt động, tại 24 quận, huyện, trong đó một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân: Thôn Bùng-Phùng Xá-Thạch Thất (200), Phượng Trì-TT Phùng-Đan Phượng (73), Ngọc Đình-Hồng Dương-Thanh Oai (53).
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, tại một số quận, huyện của Thủ đô vẫn còn ổ dịch sốt xuất huyết được phát hiện muộn, ổ dịch kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm nên số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tăng lên.
Bà Hà nhấn mạnh, giải pháp quan trọng nhất để phòng chống sốt xuất huyết là công tác tổng vệ sinh môi trường, tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch và bệnh nhân mắc sốt xuất huyết để có những phương án xử lý kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan ra cộng đồng.
Gửi phản hồi
In bài viết