Dầu thô Brent tăng 17 US cent (0,2%) lên 88,72 USD/thùng. Dầu thô trung cấp Tây Texas (WTI) của Mỹ tăng 25 cent, (khoảng 0,3%), lên 85,8 USD. Xu hướng tăng giá bền vững diễn ra sau khi cả hai loại dầu đều đạt mức cao nhất trong hơn nửa năm vào tuần trước, phá vỡ chuỗi giảm giá kéo dài hai tuần.
Về phía cầu, hoạt động sản xuất của Trung Quốc bất ngờ mở rộng trong tháng 8, theo dữ liệu từ khảo sát PMI sản xuất của Caixin, dẫn đến sự lạc quan mới về “sức khỏe” nền kinh tế của nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Một loạt biện pháp hỗ trợ kinh tế được Bắc Kinh công bố vào tuần trước, chẳng hạn như cắt giảm lãi suất tiền gửi tại một số ngân hàng quốc doanh lớn nhất nước và nới lỏng các quy định vay đối với người mua nhà, cũng đã hỗ trợ giá cả.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư tiếp tục chờ đợi những động thái đáng kể hơn để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn của đất nước, vốn là một trong những lực cản chính đối với nền kinh tế Trung Quốc kể từ sau đại dịch. Tại Mỹ, dữ liệu việc làm vừa công bố cuối tuần trước cho thấy nước này đã tăng 187.000 việc làm trong tháng 8.
Các nhà phân tích cho biết, việc thị trường lao động Mỹ hạ nhiệt trên diện rộng, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng việc làm chậm lại, đã làm giảm cơ hội tăng lãi suất tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong thời gian tới.
Kỳ vọng nguồn cung dầu thắt chặt đã tăng lên sau phát biểu của Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak hôm 31-8 rằng Nga đã đồng ý với các đối tác trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) về các thông số để tiếp tục cắt giảm xuất khẩu. Một thông báo chính thức với chi tiết về kế hoạch cắt giảm dự kiến sẽ được đưa ra trong tuần này.
Nga cho biết họ sẽ cắt giảm xuất khẩu 300.000 thùng/ngày (bpd) trong tháng 9, sau khi cắt giảm 500.000 thùng/ngày trong tháng 8. Ả Rập Saudi cũng dự kiến sẽ thực hiện mức cắt giảm 1 triệu thùng/ngày vào tháng 10.
Gửi phản hồi
In bài viết