Gia đình ông Bùi Ngọc Tuyền hiện có 15 con trâu, nhiều nhất thôn Nà Bó, xã Phú Bình (Chiêm Hóa). Ông Tuyền cho biết, trước đây, trung bình mỗi con trâu khi xuất chuồng đạt khoảng 3 - 4tạ. Với giá 100.000 -120.000 đồng/kg hơi, mỗi con trâu bán được trên 30 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay, giá trâu giảm mạnh chỉ còn 55.000 - 60.000 đồng/kg hơi. Với mức giá này, trung bình bán một con trâu lỗ hơn 10 triệu đồng.
Ông Hà Văn Dũng, thôn Lục Liêu, xã Tân Thanh (Sơn Dương) chăm sóc đàn lợn.
“Những năm trước, bình quân mỗi năm tôi xuất bán mấy đợt với vài chục con trâu thịt, đồng thời còn bán thêm cả trâu giống cho các hộ nuôi quanh vùng. Từ đầu năm đến nay, cả trâu thịt và trâu giống tôi không xuất được lứa nào. Có thời điểm, vì cần tiền và số lượng đàn quá đông, tôi muốn bán nhưng thương lái cũng không tha thiết gì. Giờ tôi chỉ biết nuôi cầm chừng, mong thời gian tới giá nhích lên”- ông Tuyền than thở.
Ông Nguyễn Tiến Họp, thôn Vũ Hải Đường, xã Phú Bình cũng trong tình trạng tương tự. Đầu tư chuồng trại chăn nuôi 12 con bò, ông Họp không khỏi muộn phiền khi lâm vào cảnh bán cũng không được, để nuôi cũng chẳng xong. Ồng Họp cho biết, ông vừa bán 6 con bò cái và bò giống được 70 triệu đồng. Cùng số bò này nếu như năm trước phải được trên 120 triệu đồng. Nhờ chủ động bò giống và thức ăn xanh nên gia đình không bị lỗ như những hộ khác. Thế nhưng nếu cứ duy trì chăn nuôi với mức giá thấp như hiện nay 70.000-85.000 đồng/kg hơi, thì người nông dân sẽ không có lãi.
Ông Đỗ Văn Hiếu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa cho biết, chưa có năm nào giá gia súc biến động mạnh và kéo dài như năm nay. Nguyên nhân là do nguồn cung thịt gia súc đang vượt cầu, trong khi đó, việc xuất khẩu gia súc sang Trung Quốc gặp khó khăn. Dự báo trong cả năm nay, ngành chăn nuôi trong huyện nói riêng và cả tỉnh nói chung tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, giá gia súc còn tiếp tục ở mức thấp... Trước mắt, chính quyền các địa phương cần tuyên truyền, vận động người dân duy trì đàn vật nuôi, đồng thời vận động các hộ chăn nuôi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, phát triển chăn nuôi an toàn, tập trung. Về lâu dài, huyện tích cực triển khai đề án phát triển chăn nuôi tập trung trên các vùng đã quy hoạch và khuyến khích, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư lớn vào liên kết với người dân, nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ, giúp người dân phát triển chăn nuôi một cách bền vững.
Người chăn nuôi gia súc trên địa bàn huyện Chiêm Hóa lao đao vì giá tiêu thụ xuống thấp.
Không riêng các hộ chăn nuôi trâu bò, người chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh cũng đang lâm vào cảnh thua lỗ nặng, thậm chí có nhiều hộ bị phá sản do giá lợn giảm mạnh. Theo nhiều hộ chăn nuôi lợn, thời điểm Tết, giá lợn hơi dao động từ 50.000-52.000 đồng/kg, đến nay giảm còn 42.000 - 46.000 đồng/kg. Theo tính toán, với mức giá như hiện nay, mỗi tạ lợn hơi người chăn nuôi đang lỗ từ 500.000 - 800.000 đồng. Ông Hà Văn Dũng, thôn Lục Liêu, xã Tân Thanh (Sơn Dương) cho biết, vừa qua, gia đình xuất bán 10 con lợn với trọng lượng hơn 1 tấn thịt hơi, chịu lỗ hơn 2 triệu đồng tiền thức ăn, chưa kể tiền công chăm sóc, thuốc thú y, vắc-xin... Do giá lợn xuống quá thấp, trong khi đó, giá thức ăn lại tăng 20%, giờ ông không dám tái đàn vì sợ càng nuôi càng lỗ.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, toàn tỉnh hiện có trên 700.000 con gia súc, trong đó đàn trâu trên 90.000 con, trên 39.000 con bò, trên 550.000 con lợn. Những năm gần đây, đặc biệt là từ đầu năm 2022 đến nay, giá xuống quá thấp, ảnh hưởng đến việc phát triển đàn gia súc chăn nuôi và thu nhập của người dân. Trước tình hình giá gia súc ở mức thấp, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi gia súc tiếp tục theo dõi thị trường, không nên tăng đàn trong thời điểm này. Khi trâu, bò, lợn mất giá, người dân cần thực hiện các biện pháp để thích nghi như thay đổi khẩu phần ăn, ủ chua phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn, tăng nguồn thu từ việc chế biến phân vi sinh từ chất thải chăn nuôi trâu, bò.
Để chăn nuôi phát triển ổn định, các địa phương cần thành lập các tổ hợp tác, liên kết trong chăn nuôi để tránh bị ép giá, kết nối tiêu thụ để không bí đầu ra; tập trung phòng, chống dịch cho tốt để không bị thiệt hại do dịch, bệnh; khuyến khích doanh nghiệp, chủ trang trại, gia trại có năng lực tập trung đầu tư vào chăn nuôi công nghiệp, áp dụng công nghệ cao nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ, giúp người dân phát triển chăn nuôi một cách bền vững.
Gửi phản hồi
In bài viết