Đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tượng sạt lở bờ sông hàng năm đã làm mất đất sản xuất của người dân với diện tích rất lớn tập trung chủ yếu dọc bờ sông Lô trên địa bàn huyện Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương, thành phố Tuyên Quang và dọc bờ sông Gâm trên địa bàn huyện Na Hang, Chiêm Hóa.
Xã Trường Sinh (Sơn Dương) là một trong những địa phương bị tác động lớn do sạt lở bờ sông. Đồng chí Đỗ Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã cho biết, chỉ tính từ năm 2018 đến nay, sạt lở đã làm mất 9,38 ha đất sản xuất của người dân. Điểm sạt lở nghiêm trọng nhất tại thôn Hưng Thịnh với chiều dài lên đến 700 m, vết sạt lở cách chân đê chỉ khoảng từ 5 - 7 m. Theo ông Trường, nếu như tuyến đê xung yếu tại thôn Hưng Thịnh bị vỡ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 420 hộ dân của ba thôn Hưng Định, Hưng Thịnh, Lương Thiện.
UBND xã An Khang (TP Tuyên Quang) cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại điểm sạt lở bờ sông Lô.
Ông Đỗ Văn Quyết, người dân thôn Hưng Thịnh, xã Trường Sinh cho biết, gia đình ông có hai thửa đất bãi soi để canh tác với tổng diện tích 1.700 m2. Thời điểm năm 2011 chiều dài của bãi soi là 81m, do bị sạt lở đến nay chỉ còn khoảng 12 m. Ông Quyết lo ngại nếu không có biện pháp bảo vệ, chỉ 1-2 mùa mưa nữa gia đình ông sẽ mất hoàn toàn đất canh tác.
Tại xã An Khang (TP Tuyên Quang), từ năm 2018 đến nay có 1,4 ha đất soi bãi của bà con cũng bị “hà bá” lấy mất. Ông Hoàng Đức Cường, cán bộ địa chính xã An Khang cho biết, qua kiểm tra xã có 4 điểm sạt lở nguy hiểm, trong đó thôn Trường Thi B có 2 điểm, thôn Phúc Lộc B có 1 điểm và thôn An Phúc 1 điểm. Tại thôn Trường Thi B, ước tính mỗi năm có điểm sạt lở vào 15 m, tình trạng sạt lở nghiêm trọng, chính quyền xã đã phải cho cắm biển, làm hàng rào chắn nghiêm cấm người, phương tiện đến gần khu vực.
Hiện tượng sạt lở bờ sông ngày càng gia tăng do nhiều nguyên nhân, biến đổi khí hậu, gây ra các đợt mưa lũ lớn và mưa trái mùa làm mực nước trên sông thay đổi; tình trạng khai thác cát sỏi trái phép làm lòng sông hạ thấp dẫn tới thay đổi chế độ dòng chảy; các tàu, thuyền tải trọng lớn di chuyển theo luồng sát bờ sông tạo ra sóng, kết cấu địa chất bờ sông là đất pha cát bở rời đã làm xói lở bờ sông. Ngoài ra còn có thêm tác động của việc điều tiết dòng chảy trong việc xả lũ và tích nước của hệ thống các công trình thủy điện phía thượng nguồn gây ra...
Ứng phó, khắc phục hậu quả do sạt lở bờ sông, giảm thiểu thiệt hại, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phòng, chống và khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông. Tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan, địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp, phòng tránh, ứng phó với sạt lở bờ sông đến cộng đồng khu dân cư; quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác cát sỏi, xây dựng công trình, nhà cửa, hoạt động giao thông đường thủy; xây dựng công trình tại các khu vực trọng điểm để phòng, chống sạt lở bờ sông, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và công trình hạ tầng thiết yếu...
Đồng chí Bùi Chí Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về, phòng chống thiên tai và các bộ, ngành xem xét, hỗ trợ kinh phí để xử lý khẩn cấp một số vị trí sạt lở nghiêm trọng thuộc tuyến đê tả sông Lô từ xã Vĩnh Lợi đến xã Trường Sinh (Sơn Dương) với kinh phí dự kiến là 150 tỷ đồng. Riêng tại xã Trường Sinh (Sơn Dương) địa phương có hiện tượng sạt lở nghiêm trọng nhất, tỉnh cho chủ trương xử lý khẩn cấp khắc phục với quy mô dài khoảng 400 m, tổng mức đầu tư 14,9 tỷ đồng. Hiện một phần vốn đã được bố trí để thực hiện. Trước mắt, hạn chế thiệt hại có thể xảy ra, các địa phương phải cắm biển cảnh báo tại những khu vực bị sạt lở và có nguy cơ cao xảy ra sạt lở; sớm có kế hoạch di dời các hộ dân ra khỏi khu vực bờ sông bị sạt lở; đảm bảo phương châm “4 tại chỗ” và yêu cầu “3 sẵn sàng” để kịp thời xử lý khi tình huống xấu xảy ra.
Gửi phản hồi
In bài viết