Không cam chịu đói nghèo
Anh Lã Hoàng Anh từng có thời gian đi bộ đội và thực hiện nghĩa vụ ở C2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 148, Sư đoàn 316. Chỉ cách đây vài năm, gia đình anh Lã Hoàng Anh là một trong những hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở thôn Tiến Vũ 9 (nay là tổ dân phố 11, phường An Tường, TP Tuyên Quang). Gia đình anh có 6 người. Bố mẹ anh già cả, ốm đau, bệnh tật liên miên. Anh có hai đứa con gái thì đứa cả không may bị câm điếc. Anh đi làm thợ xây. Còn vợ anh là chị Bàn Thị Nguyên làm việc ở trại gà. Hai vợ chồng tần tảo làm lụng cũng chỉ đủ tiền lo thuốc thang chạy chữa bệnh cho ông bà, cho con gái khuyết tật và nuôi đứa út ăn học. Anh Hoàng Anh bảo, tuy khó khăn nhưng vợ chồng anh luôn lạc quan, động viên nhau cùng cố gắng. Hơn hết là nghị lực của một người lính đã giúp anh mạnh mẽ, vượt lên trên khó khăn.
Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh, các cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là Hội CCB phường đã quan tâm, tạo điều kiện đứng ra tín chấp để anh được vay vốn phát triển kinh tế. Năm 2010, anh được Hội CCB phường tín chấp cho vay 8 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội trong 3 năm. Vợ chồng anh bàn nhau đầu tư mua 2 con lợn nái. Ngoài thời gian đi làm, về đến nhà vợ chồng anh lại lo cám bã để chăm cho lợn khỏe mạnh, nhanh lớn. Hai con lợn mỗi năm đẻ 2 lứa, lứa nào cũng được hơn chục con. Thuận lợi như vậy nên chỉ sau 3 năm nuôi lợn, vợ chồng anh đã trả hết nợ cho ngân hàng.
Không dừng lại ở đó, với mong muốn có thu nhập cao hơn nên anh chị bàn nhau chuyển sang nuôi bò. Năm 2015, được Hội CCB phường động viên, đứng ra tín chấp với ngân hàng, vợ chồng anh mạnh dạn vay 50 triệu đồng để làm chuồng và mua 2 con bò cái. Anh Hoàng Anh nhớ lại, thời điểm nuôi bò, do thiếu kinh nghiệm nên vợ chồng anh không thành công, giá bò bị rớt giá. Nên chỉ vài tháng sau nuôi, anh chị đành bán ngay, với giá 25 triệu đồng/con. Chăn nuôi bò không hiệu quả, tiền bán bò không được lãi nhiều, anh chị quyết định thôi không nuôi bò nữa để tập trung làm công việc chính. Từ tiền tích cóp hàng tháng, sau 3 năm vợ chồng anh đã trả hết nợ ngân hàng. Năm 2018, gia đình anh được công nhận thoát nghèo.
Làm giàu từ mô hình nuôi gà truyền thống
Đầu tháng 3-2021, khi chủ trại gà của chị Bàn Thị Nguyên có ý chuyển nhượng trại gà vì không muốn làm nữa. Chị Nguyên có nguy cơ “thất nghiệp”. Chị mạnh dạn bàn với chồng tìm cách đầu tư chăn nuôi gà. Vì hơn ai hết, chị tin với kinh nghiệm hơn 10 năm làm việc ở trại gà, các “bí kíp” chăn nuôi gà chị đã nằm lòng. Hơn nữa, gia đình anh chị lại có lợi thế về quỹ đất. Khu đất rộng, rất thoáng, nếu làm chuồng trại chăn nuôi không gây ảnh hưởng đến môi trường và các hộ xung quanh. Một cơ hội nữa, đó là chị được chủ trại bán lại gà giống, các trang thiết bị chăn nuôi với giá rẻ hơn thị trường, lại được chuyển nhượng cho toàn bộ các mối làm ăn lâu năm. Nếu làm được anh chị sẽ không phải lo về đầu ra. Cuối cùng, khó khăn nhất chỉ là lo vốn đầu tư.
Anh Hoàng Anh bảo, trải qua 2 lần đầu tư làm kinh tế, dù chưa thành công nhưng không vì thế mà anh nản chí. Thấy vợ phân tích kín kẽ, hợp lý, anh nhận thấy cơ hội chỉ đến một lần, nếu không nắm bắt thì sẽ đánh mất. Sau khi tính toán cụ thể, lại được sự động viên, ủng hộ của người thân, anh em bạn bè, Hội CCB phường nên vợ chồng anh quyết bán một mảnh đất, rồi gom góp, vay mượn thêm anh em, bạn bè để mua lại trại gà. Lúc này, Hội CCB phường lại đứng ra giúp đỡ, tiếp tục tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho anh vay 100 triệu đồng đầu tư chăn nuôi gà. “Nút thắt” về vốn được tháo, vợ chồng anh bỏ 900 triệu đồng để xây dựng hệ thống chuồng trại rộng 1.200 m2, với 2 khu chuồng. Anh đầu tư mua 7.000 con gà đẻ và gà hậu bị Ai Cập, giống gà siêu trứng để chăn nuôi.
Bước vào 2 khu chuồng chăn nuôi, chúng tôi thấy hệ thống điện chiếu sáng, quạt thông gió và máng ăn... khá quy mô. Tất cả nền các khu chuồng đều được trải bằng lớp trấu dày để xử lý phân gà nên mùi hôi rất ít. Đàn gà lông trắng, mào đỏ rất đẹp, khỏe mạnh và đẻ rất nhiều trứng. Theo anh Hoàng Anh, đây là giống gà siêu trứng, có khả năng chống chịu bệnh tật tốt, chịu được kham khổ. Hơn nữa vợ anh đã có kinh nghiệm rồi nên anh thấy nuôi gà không quá vất vả, nó chỉ đòi hỏi ở người chăn nuôi sự tỉ mẩn, phải dành nhiều thời gian để theo dõi và quan sát gà ăn uống, phát triển hàng ngày... Bên cạnh đó, phải tiêm phòng dịch bệnh cho gà đúng thời gian, số lượng, liều lượng. Thay dọn vệ sinh chuồng trại thường xuyên khoảng 3 tháng/lần... thì gà sẽ phát triển tốt.
Khu chuồng nuôi gà của CCB Lã Hoàng Anh.
Trung bình mỗi ngày, gia đình anh xuất bán hơn 2.000 quả trứng, với giá 2.600 - 3.000 đồng/quả cho các nhà hàng, quán ăn, các đám cưới hỏi trên địa bàn thành phố... Ngoài ra, gia đình anh còn có thêm nguồn thu từ bán phân gà ủ trấu để bón cho cây trồng, với giá 22.000 đồng/bao. Vậy là, chỉ sau nửa năm đầu tư chăn nuôi gà, gia đình anh đã thu về hơn 400 triệu đồng. Sau trừ chi phí, gia đình anh thu lãi trên 30 triệu đồng/tháng. Mô hình chăn nuôi gà đẻ không chỉ giúp vợ chồng anh có nguồn thu nhập ổn định mà còn tạo việc làm cho 2 vợ chồng người con gái cả bị khuyết tật, với mức lương 5 triệu đồng/tháng/người. Vợ chồng anh chị lại thường xuyên có thời gian ở nhà để chăm nom mẹ già vừa bị tai biến.
Không chỉ tập trung chăn nuôi gà, anh chị tận dụng hơn 3.000 m đất ao, nuôi thả cá trê ta lai và trồng hoa sen. Đầu vụ vừa rồi, nguyên tiền bán hoa sen gia đình thu lãi 4 triệu đồng.
Nói về thành quả bước đầu, anh Hoàng Anh cười tươi bảo, chưa bao giờ anh nghĩ có tiền tỷ để làm ăn. Giờ nghĩ lại thấy mình cũng liều thật nhưng giờ được như này anh thấy rất có niềm tin. Trong quá trình phát triển kinh tế, kinh nghiệm anh rút ra cho mình đó là phải không ngừng cố gắng, chịu khó suy nghĩ, tìm mọi cách thoát nghèo. Lựa chọn mô hình kinh tế để phát triển thì phải lựa theo thời cuộc và lựa theo điều kiện kinh tế của gia đình mình. Phải biết nắm bắt cơ hội, đồng thời phải mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, không ngừng học hỏi kinh nghiệm... Nhưng hơn hết, anh đã nhận được sự quan tâm, động viên, giúp đỡ, chia sẻ, tư vấn và đồng hành của Hội CCB phường An Tường.
Từ một hộ nghèo, nay kinh tế của gia đình anh Hoàng Anh đã khá hơn, các đồ đạc tiện nghi trong nhà đã sắm đầy đủ. Cuộc sống không còn chật vật, vất vả như trước nữa. Anh chị đã xây dựng kế hoạch để trả lãi cho ngân hàng hàng tháng và chỉ mong giá cả thị trường ổn định, để có thể sớm trả nợ hết cho ngân hàng. Con gái út học xong nghề chăn nuôi thú y về sẽ cùng bố mẹ tiếp tục chăn nuôi để kinh tế gia đình ngày càng vững vàng hơn.
Ông Đoàn Xuân Dương, Chủ tịch Hội CCB phường An Tường chia sẻ, mục tiêu xóa nghèo của Hội CCB phường đó là tạo mọi điều kiện để giúp hội viên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Gia đình CCB Hoàng Anh là một trong những hộ hội viên CCB nghèo sau khi được Hội tín chấp cho vay vốn đã sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, trả lãi rất đúng kỳ hạn và phát triển kinh tế có hiệu quả. Tấm gương thoát nghèo của CCB Hoàng Anh rất đáng để các hội viên khác học tập.
Gửi phản hồi
In bài viết