Đồng chí Trần Thanh Mẫn và đồng chí Nguyễn Xuân Thắng trao giải B cho đại diện các nhóm tác giả đoạt Giải Diên Hồng lần thứ 2.
Giải Diên Hồng lần thứ 3 - năm 2025 dự kiến trao 106 loại giải thưởng cho các tác giả, nhóm tác giả và cơ quan, đơn vị có nhiều tác phẩm đạt chất lượng cao.
Theo Ban tổ chức, đối với tác phẩm, giải thưởng được trao cho các tác phẩm báo chí xuất sắc thuộc các thể loại báo chí với số lượng và giá trị giải thưởng như sau: 1 giải Đặc biệt: 150 triệu đồng; 8 giải A, mỗi giải 95 triệu đồng; 15 giải B, mỗi giải 45 triệu đồng; 20 giải C, mỗi giải 30 triệu đồng; và 40 giải Khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng.
Đối với tập thể, ban tổ chức sẽ trao giải “Xuất sắc” cho 20 cơ quan báo chí tiêu biểu, các cơ quan/đơn vị tích cực tham gia hưởng ứng giải; mỗi giải 10 triệu đồng.
Ngoài ra, Ban tổ chức xét tặng 2 giải thưởng dành cho các cơ quan báo chí có các tác phẩm gây được ấn tượng tốt theo bình chọn của Hội đồng chấm Giải (nếu có); mỗi giải trị giá 20 triệu đồng.
Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Giải Diên Hồng) là giải thưởng hằng năm được trao tặng cho các tác phẩm báo chí xuất sắc về Quốc hội, Hội đồng nhân dân do Văn phòng Quốc hội phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức.
Các tác phẩm tham dự giải cần bám sát Kế hoạch tổ chức Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Giải Diên Hồng) lần thứ ba - năm 2025; tập trung phản ánh ý nghĩa, kết quả các kỳ họp của Quốc hội, tập trung vào Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Kỳ họp thứ 7 và Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Các chủ đề chính gồm: quá trình, kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội trong hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; ý nghĩa, tầm quan trọng các quyết sách của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, nhất là các quyết sách mới được ban hành; những kết quả nổi bật trong hoạt động giám sát của cơ quan, đại biểu dân cử.
Các tác phẩm cũng phản ánh các hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong việc triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước và giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Các chủ đề lớn khác về việc thực hiện chức năng hướng dẫn, giám sát hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Hội đồng nhân dân; phản ánh về vị trí, vai trò, quá trình, kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của Hội đồng nhân dân; những đổi mới trong tổ chức, phương thức hoạt động của Hội đồng nhân dân; phản ánh tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của cử tri và nhân dân tới Quốc hội, Hội đồng nhân dân; đóng góp của cử tri, nhân dân trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Ban tổ chức cho biết, mọi công dân Việt Nam ở trong nước và nước ngoài (bao gồm cả người Việt Nam ở nước ngoài), người có quốc tịch nước ngoài có tác phẩm báo chí phù hợp với tiêu chí của giải đều có quyền gửi tác phẩm tham dự.
Thời gian nhận tác phẩm: Từ ngày 5/1/2024 (ngày phát động Giải) đến ngày 22/11/2024 (theo dấu bưu điện).
Địa chỉ nhận tác phẩm: Văn phòng Quốc hội (Vụ Thông tin): số 22 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội (số điện thoại: 080.48017/ 0904223089). Đối với hồ sơ gửi qua đường bưu điện, ngoài phong bì ghi rõ: Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Trường hợp nhiều người cùng thực hiện một tác phẩm thì giải sẽ trao cho nhóm tác giả (số lượng tác giả của một nhóm tối đa là 7 người. Đối với các chương trình lớn của loại hình phát thanh, truyền hình nhóm tác giả có số lượng tối đa 10 người với các chức danh chính như kịch bản, biên tập, đạo diễn, quay phim, dẫn chương trình).
Mỗi tác giả, nhóm tác giả được gửi tối đa 5 tác phẩm. Cùng một nội dung, đề tài, tác giả không được gửi tham dự giải ở các thể loại khác nhau.
Gửi phản hồi
In bài viết