Du khách tại quảng trường Syntagma ở thủ đô Athens, Hy Lạp. (Ảnh REUTERS)
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Christos Staikouras (C.Xtai-câu-rát) nhấn mạnh, sau 12 năm nỗ lực hết mình, một giai đoạn đầy khó khăn đối với nước này đã khép lại.
Từ năm 2010, khi chìm sâu trong cuộc khủng hoảng nợ công, Hy Lạp đã buộc phải thực thi nhiều cải cách và chính sách “thắt lưng buộc bụng” khắc nghiệt nhằm đổi lấy các gói cứu trợ tài chính từ EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) với tổng trị giá lên đến gần 300 tỷ euro. Theo yêu cầu từ các chủ nợ, để được giải ngân các gói cứu trợ, Athens đã buộc phải cắt giảm chi tiêu công, tăng thuế, cải cách hệ thống lương hưu và thị trường lao động.
Nhờ những nỗ lực bền bỉ của Athens cũng như sự hỗ trợ của EU, từ tháng 8/2018, Hy Lạp không còn phụ thuộc vào các gói cứu trợ, nhưng vẫn chịu sự giám sát tài chính tăng cường của EU nhằm tiếp tục thực hiện các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp mới đây tuyên bố, hành trình đầy thử thách kéo dài 12 năm qua đã chính thức khép lại. Sự giám sát của EU đã chấm dứt và nền kinh tế Hy Lạp không còn là “trường hợp ngoại lệ” trong Khu vực đồng euro (Eurozone).
Việc kết thúc các hoạt động giám sát của EU là cơ hội để Hy Lạp củng cố vị thế trên thị trường quốc tế, tăng cường quyền kiểm soát đối với chính sách kinh tế trong nước, đồng thời gia tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis (K.Mít-xô-ta-kít) khẳng định, đây là thời điểm lịch sử đối với nước này. Theo ông Mitsotakis, 12 năm qua là khoảng thời gian vô cùng khó khăn đối với người dân, song Athens đã đặt dấu chấm hết cho giai đoạn gian nan đó và đang đứng trước những cơ hội mới.
Trong khi đó, Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU Paolo Gentiloni (P.Gien-ti-lô-ni) nhấn mạnh, Hy Lạp đã triển khai hiệu quả những cải cách quan trọng nhằm củng cố nền kinh tế và tài chính công. Thành tựu đó càng có ý nghĩa trong bối cảnh nước này đồng thời phải đối mặt các cú sốc nghiêm trọng như đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu. Ủy ban châu Âu (EC) dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hy Lạp sẽ chạm mức 4% trong năm 2022, cao hơn nhiều so mức trung bình 2,6% của Eurozone.
Nhiều nhà phân tích nhận định, có cơ sở để tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Hy Lạp. Theo Giáo sư Tài chính tại Đại học Athens Dimitris Kenourgios (Đ.Kê-nu-ghi-ốt), những cải cách mà Athens theo đuổi trong hơn mười năm qua là rất khó khăn nhưng cần thiết, giúp Hy Lạp xây dựng ngân sách bền vững, cải cách thể chế và đưa nền kinh tế tăng trưởng trở lại.
Tuy nhiên, Chính phủ Thủ tướng Mitsotakis dự kiến sẽ tiếp tục đối mặt nhiều thách thức. Tỷ lệ thất nghiệp của Hy Lạp vẫn ở mức cao nhất trong EU, trong khi lương tối thiểu thấp. Khoản nợ công khổng lồ, tương đương 180% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cũng là bài toán khó đối với các nhà lãnh đạo Hy Lạp. Bên cạnh đó, những “cơn gió ngược” đến từ các yếu tố khách quan như cuộc khủng hoảng năng lượng, cơn bão giá tại châu Âu, là trở lực lớn đe dọa cản bước con thuyền kinh tế Hy Lạp căng buồm ra khơi.
Thủ tướng Mitsotakis mới đây khẳng định sẽ tiếp tục chữa lành những vết thương do đại dịch Covid-19 gây ra đồng thời kiên trì thực hiện cải cách nhằm bảo đảm nền kinh tế tăng trưởng bền vững. Athens sẽ không đơn độc trên hành trình đó. Ông Gentiloni nhấn mạnh, thông qua các công cụ tài chính như gói phục hồi sau đại dịch Covid-19, EU sẽ tiếp tục sát cánh cùng Chính phủ Hy Lạp trong giai đoạn phát triển mới.
Gửi phản hồi
In bài viết