Những hợp tác xã điển hình
HTX Rau, quả an toàn Đức Ninh (Hàm Yên) được thành lập chưa lâu song đã và đang phát huy tốt vai trò dẫn dắt, làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân địa phương thu hút nhiều nông dân tham gia.
Anh Bùi Văn Phòng, thôn Đồng Danh, xã Đức Ninh (Hàm Yên) cho biết, gia đình trồng 700 cây bưởi, chủ yếu là các giống bưởi Diễn, bưởi da xanh, bưởi đào đường và hơn 1 ha trồng cam Vinh, chanh tứ mùa. Lượng sản phẩm thu hoạch mỗi vụ không nhỏ, rất may là có HTX Rau, quả an toàn nên việc tìm đầu ra cho sản phẩm với anh là không khó. Sản phẩm đến kỳ thu hoạch, HTX kết nối, bạn hàng đến tận vườn cắt. Hữu ích nữa là tham gia vào HTX anh Phòng còn tham gia các chương trình tập huấn, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm học hỏi trồng, chăm sóc cây ăn quả theo tiêu chuẩn ViepGAP, hữu cơ trong và ngoài tỉnh. Điều mà những người nông dân như anh rất cần. Không chỉ anh Phòng, 28 hộ nông dân trên địa bàn thôn Đồng Danh và nhiều trang trại, gia trại trồng cây ăn quả khác tự nguyện tham gia vào HTX.
HTX Phúc Sơn (Lâm Bình) hỗ trợ thành viên phát triển vùng nguyên liệu lạc xuất khẩu.
Ông Nguyễn Việt Phong, Giám đốc HTX cho rằng, thu hút nông dân vào HTX, không có giải pháp nào khác là phải để họ tin và muốn làm được điều này HTX phải tổ chức hiệu quả chuỗi hàng hóa, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Thời gian qua, HTX không ngừng nỗ lực tìm kiếm, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên và người nông dân trong và ngoài địa bàn. Ông Phong khoe, hiện tại có chục bạn hàng thường xuyên tại thành phố Tuyên Quang và chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) đã ký hợp đồng thu mua bưởi, cam, chanh với HTX. Bên cạnh đó, vào mỗi mùa vụ sản xuất, HTX triển khai chính sách hỗ trợ nông dân mua phân bón theo hình thức trả chậm, giá thấp hơn thị trường.
Tương tự, HTX Chăn nuôi ong Phong Thổ (TP Tuyên Quang) cũng đã thu hút các hộ hoạt động cùng ngành nghề tham gia. Năm 2015, HTX có 20 thành viên đến nay đã tăng lên 25 thành viên. Theo Giám đốc HTX Trần Xuân Phong, cái khó trong phát triển nông nghiệp hiện nay chính là nông sản làm ra luôn rơi vào điệp khúc “được giá mất mùa, được mùa mất giá”. Vì thế, một khi nông dân thấy được năng lực của HTX thì sẽ tự nguyện tham gia vào HTX, từ đó thuận lợi cho HTX hoạt động và tổ chức sản xuất. Được biết trung bình mỗi năm HTX ký kết bao tiêu 800 -1.000 tấn mật ong cho các thành viên để cung ứng vào các công ty dược phẩm và xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Vấn đề đặt ra
Mặc dù số lượng HTX nông nghiệp tăng tuy nhiên một nghịch lý lại xảy ra số thành viên tham gia giảm đáng kể. Số liệu tổng hợp của Chi cục Phát triển nông thôn, trong tổng số 336 HTX nông, lâm nghiệp, tăng 177 HTX so với năm 2016 thì số lượng thành viên trên 9.200 thành viên, giảm 4.745 thành viên so với năm 2016. Các thành viên giảm đã ảnh hưởng đến quy mô của HTX chủ yếu nhỏ, toàn tỉnh có đến 207 HTX với số thành viên dưới 10 người, chiếm 61,6% tổng số HTX; HTX có từ 10 đến dưới 100 thành viên là 123 HTX, bằng 36,6% tổng số HTX. Ngoài nguyên nhân giảm do các HTX sau khi củng cố, kiện toàn đã xác định lại các thành viên có tham gia góp vốn điều lệ và HTX theo đúng Luật Hợp tác xã và xác định rõ nhiệm vụ của thành viên thì 1 nguyên nhân lớn đó là nhiều HTX chưa thực sự là chỗ dựa vững chắc để người nông dân tin và tham gia.
Theo báo cáo của Liên minh Hợp tác xã, Chi cục Phát triển nông thôn toàn tỉnh có 62 HTX dịch vụ nông, lâm nghiệp không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả. Đồng nghĩa với số lượng HTX này không thể thu hút được thành viên tham gia.
Ông Lê Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, trong thời buổi kinh tế thị trường, nếu các HTX nông nghiệp không thay đổi tư duy, đổi mới phương thức hoạt động, chỉ phụ thuộc vào lĩnh vực cấp bù thủy lợi phí và một số dịch vụ nhỏ lẻ, thì chắc chắn sẽ khó có thể phát triển và kết nạp thành viên. Thêm một nguyên nhân khác khiến nhiều người dân e ngại khi tham gia vào các HTX, đó là phải đóng phí thành viên trung bình từ 300 - 400 nghìn đồng/người. Trong khi đó, trước mắt nông dân vẫn chưa thấy được năng lực kết nối thật sự của HTX trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Mấu chốt của vấn đề là chỉ khi nào các HTX mang lại lợi ích thiết thực thì nông dân mới vào HTX.
Gửi phản hồi
In bài viết