Giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt vùng hạ huyện Sơn Dương

- Với đặc điểm địa hình trũng thấp, tưởng chừng nguồn nước sinh hoạt không phải là khó khăn với vùng hạ huyện Sơn Dương nhưng thực tế lại không như vậy ở nhiều địa phương.

3 lần khoan, đào giếng không tìm được nguồn nước, lần thứ 4, gia đình bà Đỗ Thị Lộc, thôn Hưng Thịnh, xã Trường Sinh (Sơn Dương) vỡ òa trong sung sướng khi giếng có nước để phục vụ sinh hoạt thường ngày, không còn phải sống khổ sở trong tình trạng thiếu nước. Bà Lộc chia sẻ, trước gia đình sử dụng giếng khơi lấy nước sinh hoạt nhưng đến năm nay, giếng cạn khô, trơ cả đáy, đầu năm gia đình thuê thợ đào ra vị trí khác, tuy nhiên nguồn nước cũng chỉ sử dụng được 1 tháng lại cạn, gia đình lại gọi thợ đào tìm nước nhưng rồi thợ đào xuống cả chục mét đất cũng không thấy có nước buộc lòng gia đình bà chuyển sang giếng khoan. Máy khoan sâu xuống lòng đất 88 mét nhưng cũng không tìm thấy được hạt nước. Bà Lộc bảo, lần thứ 4 thuê thợ đào giếng nếu không có nước, bà chấp nhận đào giếng giáp ruộng may chăng có nước để dùng, bởi gần 1 năm nay gia đình bà mất quá nhiều tiền của để tìm nguồn nước rồi. Dù giếng đã có nước nhưng bà Lộc vẫn canh cánh lo, vì thời điểm này vẫn còn mưa, nước vẫn còn, khoảng từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau vào mùa cạn, tình trạng thiếu nước để sinh hoạt lại có thể xảy ra.

Một số hộ dân thôn Hưng Thịnh, xã Trường Sinh (Sơn Dương) may mắn có nguồn nước phục vụ sinh hoạt.

Cùng thôn Hưng Thịnh, gia đình ông Đỗ Văn Ninh cũng đã đào đi lấp lại 5 giếng. Ông Ninh chia sẻ, giếng hiện tại cũng chỉ được vài cm nước, để đủ nước sinh hoạt cho cả gia đình, ông phải bơm nhiều lần trong ngày.

Ông Đỗ Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Trường Sinh khẳng định, xã có trên 1.100 hộ, qua rà soát có đến trên 600 hộ dân gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, tập trung nhiều nhất ở các thôn Hưng Thịnh, Đồng Tâm, Phú Thọ 1, Phan Lương. Theo ông Trường, nhiều hộ dân đào, khoan giếng không tìm được nguồn nước đã bơm nước từ sông Lô vào bể lắng, lọc qua rồi sử dụng, dù chất lượng nước chưa thực sự đảm bảo nhưng cũng không còn cách nào khác.

Giáp ranh với xã Trường Sinh, nhiều hộ dân ở xã Hồng Lạc cũng chung cảnh ngộ. Chị Bùi Thanh Hảo, thôn Kim Xuyên cho biết, gia đình đã đào giếng nhiều lần nhưng không có nước nên đành dùng chung với 1 hộ lân cận. Tuy nhiên, 2 nhà cũng phải nhường nhau mới đủ nước dùng, thời điểm thời tiết không mưa, nước chỉ đủ để phục vụ nhu cầu thiết yếu nhất.

Đồng chí Nguyễn Xuân Hiển, Chủ tịch UBND xã Hồng Lạc cho biết, xã đã báo cáo tình trạng khan hiếm nguồn nước sinh hoạt lên huyện, tỉnh. Năm 2020, đoàn công tác của Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có cuộc khảo sát, đánh giá thực trạng này.

Đáp ứng nhu cầu cấp thiết về nguồn nước sinh hoạt cho người dân vùng hạ huyện Sơn Dương, ngày 20-11-2020, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 49/NQ-HĐND phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình thủy lợi hồ Cao Ngỗi, xã Đông Lợi (Sơn Dương). Mục tiêu đặt ra là đảm bảo cung cấp nước tưới ổn định cho 188 ha lúa hai vụ thuộc xã Đông Lợi; tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho khoảng 5.450 người dân xã Đông Lợi và khoảng 8.000 người dân thuộc các xã Hồng Lạc, Hào Phú, Tam Đa, Phú Lương với tổng vốn đầu tư trên 250 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên đến đầu năm 2021, dự án có sự thay đổi, công trình được bàn giao về cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ông Lương Văn Cường, Trưởng phòng Kỹ thuật- Thẩm định Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, ngày 21-7 vừa qua, Bộ Nông nghiệp đã chính thức có Quyết định về chủ trương đầu tư dự án hồ Cao Ngỗi. Quy mô dự án đã mở rộng đến xã Trường Sinh, ngoài việc đảm bảo cấp nước tưới ổn định có diện tích lúa, công trình tạo nguồn sinh hoạt cho khoảng 52.000 người, tăng gấp 4 lần dự kiến ban đầu. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 đến 2025. Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn  đang tổ chức lập dự án đầu tư, dự kiến, công trình sẽ được khởi công đúng theo kế hoạch đặt ra.

Từ nay đến thời điểm dự án hồ Cao Ngỗi được đầu tư xây dựng, để đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt, người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ, sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn nước. Chính quyền các địa phương cũng cần cảnh báo người dân không khoan giếng ồ ạt, ảnh hưởng đến địa chất, nguy cơ gây ra sụt lún, gây nguy hiểm cho cuộc sống của người dân.

Bài, ảnh: Đoàn Thư 

Tin cùng chuyên mục