Ủy viên Thương mại EU Valdis Dombrovskis (thứ hai từ phải sang) cùng các nhà lãnh đạo Mỹ
trước cuộc họp Hội đồng Thương mại và công nghệ EU - Mỹ.
Điểm nhấn trong chuyến thăm của Ủy viên Thương mại EU Valdis Dombrovskis tới Mỹ lần này là cuộc họp Hội đồng Thương mại và công nghệ EU - Mỹ lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 29 và 30-9 tại thành phố Pittsburgh. Cuộc họp có sự tham gia của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo và Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai. Theo Hãng tin Bloomberg, nội dung của cuộc họp chủ yếu bàn thảo biện pháp triển khai các cam kết của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong Hội nghị Thượng đỉnh EU - Mỹ diễn ra ngày 15-6, hướng đến khôi phục mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Theo đó, các nhà lãnh đạo đã thảo luận hàng loạt vấn đề từ thúc đẩy thương mại đầu tư, hợp tác quản lý dữ liệu kỹ thuật số, vật liệu bán dẫn, chống biến đổi khí hậu… Hai bên đã xác định một mục tiêu chung là tìm kiếm các động lực mới để xây dựng cơ chế thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại, đầu tư song phương. Ngoài ra, Mỹ và EU sẽ hợp tác chặt chẽ trong việc cập nhật các quy tắc, chuẩn mực quốc tế nhằm bảo đảm tính nhất quán để các chính sách thương mại và công nghệ có thể hỗ trợ tăng trưởng trên diện rộng cho cả hai phía trong thế kỷ XXI.
Về tranh cãi liên quan tới việc từ tháng 6-2018, Mỹ áp thuế 25% với sản phẩm sắt và 10% với sản phẩm nhôm nhập khẩu từ các nước EU dẫn tới quyết định trả đũa của EU - tăng thuế đối với lượng hàng hóa trị giá 2,8 tỷ USD nhập khẩu từ Mỹ, hai bên thống nhất sẽ nỗ lực hoàn tất các cuộc đàm phán để tiến tới ký kết một thỏa thuận thương mại mới trước ngày 1-12-2021. Một đại diện của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, các nhà lãnh đạo Mỹ và EU đã đồng ý tiến tới khôi phục dòng chảy thương mại lịch sử, bảo đảm sự tuân thủ các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Theo các chuyên gia kinh tế, “cuộc chiến” thuế quan giữa Mỹ và EU kéo dài suốt 3 năm qua đã gây thiệt hại cho cả hai phía. Nếu không đạt được một thỏa thuận về giảm thuế nhôm và thép, EU sẽ tiếp tục áp mức thuế cao nhằm vào các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ như xe máy Harley-Davidson, rượu Whisky, thuốc lá, ngô, gạo… khiến các nhà sản xuất xứ Cờ hoa lao đao. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán liên quan tới vấn đề này đang vấp phải sự phản đối từ Liên đoàn Công nhân ngành thép United Steelworkers (USW). Họ kêu gọi chính quyền tiếp tục ủng hộ các mức thuế mà cựu Tổng thống Donald Trump đã ban hành, đồng thời cho rằng việc dỡ bỏ các mức thuế này sẽ khiến thép Trung Quốc được trợ cấp tràn trở lại thị trường Mỹ thông qua nước thứ ba. Bên cạnh đó, theo USW, dù ngành công nghiệp thép của nước này bắt đầu phục hồi sau thời gian ngừng hoạt động do dịch Covid-19, song rất dễ bị tổn thương, nhất là khi công suất sản xuất thép toàn cầu hiện vượt 700 triệu tấn so với nhu cầu, khiến giá thép sẽ giảm mạnh trong thời gian tới. Do đó, việc tiếp tục áp thuế và hạn ngạch nhập khẩu thép là điều cần thiết để bảo đảm khả năng tồn tại của ngành thép trong nước.
Để giải quyết một cách toàn diện, các nhà lãnh đạo Mỹ và EU đang tập trung tìm lời giải cho vấn đề dư thừa thép toàn cầu. Theo các nhà bình luận, động thái tích cực mà Mỹ và EU nỗ lực xúc tiến trong thời gian qua cho thấy, bế tắc trong đàm phán thương mại sẽ sớm được khai thông theo đúng lộ trình đề ra.
Gửi phản hồi
In bài viết