Giảm ô nhiễm tiếng ồn: Bắt đầu từ ý thức

- Thời gian qua, hành vi vi phạm tiếng ồn trong sinh hoạt ở các khu dân cư diễn ra ngày càng phổ biến, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, môi trường, an ninh trật tự và chất lượng sống của người dân.

Việc ô nhiễm tiếng ồn đến từ nhiều nguồn khác nhau như dịch vụ (quán xá, nhà hàng, các điểm vui chơi giải trí…); hát karaoke gia đình với dàn âm thanh công suất lớn; cơ sở sản xuất kinh doanh hộ gia đình; các loại hình buôn bán có sử dụng loa quảng cáo; các địa điểm sinh hoạt văn hóa công cộng…

Âm thanh vượt mức cho phép là một dạng ô nhiễm tiếng ồn, về mức độ, chỉ đứng sau ô nhiễm không khí, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm lý, tinh thần của người dân. Hậu quả của nó là người lớn không thể nghỉ ngơi, trẻ em khó tập trung học hành, hàng xóm bất hòa, mất an ninh trật tự khu dân cư…

Ngoài những hậu quả tiêu cực gây ra cho thính giác, chức năng thần kinh, tim mạch; việc học tập và nghỉ ngơi… thì tiếng ồn còn gây ảnh hưởng tiêu cực lên hành vi của con người, giảm hiệu suất làm việc, giảm hứng thú lao động. Người thường xuyên sống trong môi trường có tiếng ồn quá mức thường thiếu kiên nhẫn, bực bội, nóng nảy, rối loạn giấc ngủ, hay gây gổ với người khác…

Karaoke tại gia với âm thanh công suất lớn gây bao phiền toái cho những hộ gia đình xung quanh.

Chị Phạm Thùy Hương, xã Trung Môn (Yên Sơn) chia sẻ: Bây giờ, để thỏa mãn niềm yêu thích ca hát rất đơn giản, không nhất thiết phải đến quán Karaoke, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, một chiếc micro có kết nối bluetooth là có thể thỏa sức thể hiện đam mê ca hát. Chị kể: "Khu nhà mình trọ, hễ cứ vui là các anh chị trong xóm trọ lại bật nhạc hát tưng bừng, rất phiền toái. Mình học không học được, ngủ không ngủ được, chỉ mong cơn hứng khởi bất tận của các anh chị qua nhanh, trả lại không gian yên tĩnh cho khu trọ…

Tháng đôi lần các anh, chị vui mà hát thì không sao, chứ hễ cứ rảnh là hát thì thực sự là một hình thức văn hóa “cưỡng bức”, rất ức chế". Thực tế cho thấy, đã có rất nhiều bất hòa, mâu thuẫn làm tan nát tình làng, nghĩa xóm, mà nguyên nhân đơn giản chỉ từ việc hát karaoke cường độ lớn tại nhà. Người mở loa to, người bị làm phiền dẫn tới cãi vã, ẩu đả, gây mất trật tự khu dân cư…

Gần đây nhất, quán karaoke Đoan Trang, km 25, thôn Tân Thành, xã Thái Hòa (Hàm Yên) đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động vì không có lối thoát hiểm, không bảo đảm các quy định về phòng cháy chữa cháy, nhưng chủ quán vẫn để các thanh niên vào hát. Trong quá trình hát, đã xảy ra mâu thuẫn, cự cãi, xô xát khiến 2 người bị đâm… Có thể nói, ca hát là nhu cầu giải trí lành mạnh, chính đáng, nhưng nó chỉ hợp lý khi không làm phiền đến người khác, đảm bảo các quy định về tiếng ồn, không làm ảnh hưởng tới giấc ngủ, sức khỏe, năng suất lao động của những người xung quanh.

Hiện nay, pháp luật đã có chế tài đầy đủ, cụ thể quy định xử phạt về tiếng ồn. Đồng chí Phùng Thế Hiệu, Phó trưởng Phòng Môi trường, Nước, Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Ngày 7/7/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (thay thế cho các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trước đây).

Mức xử phạt vi phạm các quy định về tiếng ồn được quy định tại Điều 22 của Nghị định, cụ thể: Phạt cảnh cáo đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 02 dBA. Về mức phạt tiền, thấp nhất là từ 1 triệu đồng, cao nhất là 160 triệu đồng đối với cá nhân. Đối với tổ chức, mức phạt tăng gấp 2 lần. Đồng thời, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn kỹ thuật, buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường…

Ở đô thị, tiếng ồn sinh ra là khó tránh khỏi, nhưng nó cần được hạn chế đến mức thấp nhất vì sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững, văn minh của xã hội. Để bảo đảm chất lượng cuộc sống của người dân, để giữ gìn môi trường tĩnh tại để mỗi người dân có thể nghỉ ngơi, thư giãn, tái tạo sức lao động sau hành trình mưu sinh vất vả thì cùng với việc tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ tác hại của tiếng ồn, nắm được và tuân thủ nghiêm túc các quy định về tiếng ồn… còn cần có các giải pháp chủ động, thiết thực cho việc hát karaoke tại nhà như trang bị kính cách âm, vách ngăn để giảm thiểu tác động xấu của tiếng ồn. Đặc biệt, cần đưa nội dung này vào quy ước của tổ dân phố để từng hộ dân cam kết tuân thủ quy định của pháp luật về tiếng ồn, tự giác đồng hành cùng chính quyền trong việc xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị.

Khánh Vân

Tin cùng chuyên mục