Giám sát thường xuyên phải hiệu quả

Công tác giám sát trong Đảng có hai hình thức gồm giám sát thường xuyên và giám sát chuyên đề, mỗi hình thức có vai trò, đặc điểm và mục tiêu riêng. Trong đó, giám sát thường xuyên có vai trò rất quan trọng nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời dấu hiệu vi phạm.

1. Giám sát thường xuyên là quá trình theo dõi, đôn đốc; kiểm điểm, tự phê bình và phê bình; bình xét, phân tích, đánh giá hoạt động của tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên nhằm bảo đảm mọi hoạt động diễn ra đúng Điều lệ và các quy định của Đảng.

Giám sát thường xuyên giúp tổ chức Đảng, đảng viên phát hiện sớm các vấn đề, rủi ro hoặc sai sót, từ đó kịp thời nhắc nhở để khắc phục, tránh vi phạm. Giám sát thường xuyên còn giúp tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm, đặt ra yêu cầu chủ động tự kiểm tra đối với tổ chức Đảng và đảng viên.

Thời gian qua, công tác giám sát thường xuyên đã được cấp ủy Đảng, ủy ban kiểm tra các cấp từ Trung ương xuống cơ sở quan tâm, thực hiện, đạt nhiều kết quả; góp phần duy trì kỷ cương, kỷ luật, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, đây cũng là công tác còn tồn tại, hạn chế. Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2024; triển khai nhiệm vụ năm 2025 vào chiều 19-12 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá: “Công tác giám sát thường xuyên, nắm bắt tình hình, dự báo, phát hiện, cảnh báo, phòng ngừa vi phạm vẫn còn nhiều hạn chế, chưa kịp thời, đến khi phát hiện, kiểm tra thì hậu quả để lại rất lớn về con người và tài sản”.

Thực tế đúng vậy, hàng loạt vụ án tham nhũng, tiêu cực được đưa ra ánh sáng thời gian qua là minh chứng. Vụ nâng khống giá thiết bị y tế trong thời kỳ cả nước thực hiện phòng, chống đại dịch Covid-19 là một trong số đó, cho thấy sự lỏng lẻo trong giám sát tài chính và quy trình mua sắm công. Hay các vụ sai phạm trong quản lý đất đai, chi tiêu công, đăng kiểm phương tiện xe cơ giới đều có một phần trách nhiệm của cấp ủy Đảng, ủy ban kiểm tra cấp ủy các cấp khi chưa thực hiện tốt công tác giám sát thường xuyên.

Nguyên nhân hạn chế trong công tác giám sát thường xuyên chủ yếu do cấp ủy tổ chức Đảng và người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức, thiếu cơ chế giám sát chặt chẽ, dẫn đến việc chỉ phát hiện sai phạm khi đã có hậu quả nghiêm trọng, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước. Ngoài ra, một bộ phận cán bộ làm công tác kiểm tra chưa đủ trình độ, thiếu kinh nghiệm hoặc còn né tránh trách nhiệm. Công tác giám sát nhiều nơi còn mang tính hình thức, không chú trọng đến việc phân tích, dự báo nguy cơ tiềm ẩn. Tâm lý ngại va chạm, sợ mất đoàn kết cũng là một nguyên nhân khiến nhiều sai phạm không được báo cáo hoặc xử lý kịp thời...

2. Công tác giám sát trong Đảng không chỉ là công cụ bảo vệ uy tín của Đảng, mà còn là nền tảng để củng cố niềm tin của nhân dân. Trước yêu cầu ngày càng cao trong bối cảnh đất nước hội nhập và phát triển, chất lượng công tác giám sát trong Đảng cần được nâng cao hơn nữa, đặc biệt là công tác giám sát thường xuyên.

Để nâng cao chất lượng và đẩy mạnh công tác giám sát thường xuyên, trước hết, các cấp ủy Đảng và ủy ban kiểm tra cấp ủy các cấp cần tăng cường nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác giám sát thường xuyên; tích cực bám sát địa bàn, sâu sát và nắm chắc tình hình cơ sở; tập trung giám sát đối với những địa bàn quan trọng, phức tạp, những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực, theo sát những vấn đề nổi cộm hoặc nơi người dân có nhiều bức xúc, báo chí phản ánh, dư luận xã hội quan tâm, có đơn thư khiếu nại, tố cáo... Đồng thời, cấp ủy Đảng, ủy ban kiểm tra cấp ủy phải quan tâm nâng cao năng lực cán bộ kiểm tra như: Tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về kỹ năng giám sát, phân tích và phát hiện sai phạm. Cùng với đó, xây dựng quy trình công tác bảo đảm sự độc lập và minh bạch trong công tác kiểm tra, giám sát, tránh tác động từ lợi ích nhóm; chú trọng xây dựng văn hóa trách nhiệm nhằm khuyến khích cán bộ, đảng viên báo cáo trung thực và thẳng thắn về các dấu hiệu vi phạm gắn với duy trì nghiêm kỷ cương, kỷ luật; xử lý nghiêm các hành vi bao che, nể nang, tạo tiền lệ răn đe mạnh mẽ. Cán bộ địa bàn phải thực hiện theo đúng chức trách, nhiệm vụ và tuân thủ nguyên tắc; không ngừng củng cố uy tín tại địa bàn và trung thực, khách quan, công tâm, nhạy bén...

Các cấp ủy Đảng và cơ quan ủy ban kiểm tra cần phát huy hơn nữa vai trò của quần chúng nhân dân, như tăng cường sự tham gia của nhân dân trong công tác giám sát thông qua các kênh phản ánh, góp ý; có cơ chế, giải pháp bảo vệ người tố cáo và khen thưởng những cá nhân phát hiện sai phạm kịp thời.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả giám sát thường xuyên, các cấp ủy cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát nội bộ và bên ngoài bao gồm tăng cường giám sát chéo giữa các tổ chức Đảng với các cơ quan thanh tra, kiểm toán; kết hợp nhuần nhuyễn giữa các phương pháp giám sát như trực tiếp, gián tiếp và kiểm tra đột xuất để phát hiện sai phạm từ sớm, từ xa.

Một giải pháp mang tính chiến lược, chắc chắn không dễ, nhưng nếu ngành Kiểm tra Đảng vận dụng tốt có thể tạo ra bước đột phá cho công tác kiểm tra, giám sát nói chung và công tác giám sát thường xuyên nói riêng. Đó là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin như xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất để theo dõi, phân tích tình hình hoạt động của các tổ chức Đảng; thậm chí có thể nghiên cứu sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các công cụ phân tích dữ liệu lớn để dự báo rủi ro tiềm tàng trong hoạt động của tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên.

Có thể khẳng định, việc tăng cường công tác giám sát thường xuyên, phát hiện và phòng ngừa sai phạm từ sớm, từ xa không chỉ là nhiệm vụ cấp bách mà còn là yếu tố quyết định để giữ vững niềm tin của nhân dân vào Đảng. Đây là trách nhiệm trước hết của cấp ủy Đảng, nhất là người đứng đầu.

Theo Báo Hà Nội Mới điện tử

Tin cùng chuyên mục