Giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại Na Hang

- Ngày 16-12, Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh thực hiện giám sát tại huyện Na Hang về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.

Giám sát tại huyện Na Hang cho thấy, cấp ủy, chính quyền huyện Na Hang đã quan tâm triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Huyện tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, có 9/18 trường đạt chuẩn quốc gia. Đến năm học 2022-2023, toàn huyện dồn ghép được 28 điểm trường.

Đoàn giám sát việc đầu tư trang thiết bị cho phòng học bộ môn của trường Tiểu học và THCS Thanh Tương.

Huyện cũng quan tâm bố trí, sắp xếp đội ngũ quản lý và giáo viên tại các trường học trên địa bàn; linh hoạt trong bố trí, sử dụng nguồn giáo viên hiện có để đáp ứng được nhu cầu dạy học theo chương trình mới. Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Các trường học đã đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh; thực hiện lựa chọn sách giáo khoa theo đúng quy trình; trang cấp đồ dùng, thiết bị dạy học tối thiểu; quan tâm công tác giáo dục toàn diện; chất lượng giáo dục các cấp học từng bước được nâng cao.

Qua giám sát, đoàn cũng ghi nhận một số hạn chế, vướng mắc như: Số lượng giáo viên còn thiếu theo định mức, trong đó, thiếu nhiều giáo viên tiếng Anh, Tin học, Vật lý. Việc bố trí nguồn kinh phí, mua sắm đồ dùng, thiết bị dạy học cho các lớp thực hiện chương trình sách giáo khoa mới còn khó khăn. Tài liệu giáo dục địa phương lớp được trang cấp chậm. Cùng với đó, cơ sở vật chất các trường học còn khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục tại địa phương. Nhiều trường thiếu phòng chức năng, phòng học bộ môn theo quy định.

Đoàn giám sát cũng ghi nhận vấn đề giá sách giáo khoa còn cao so với thu nhập thực tế của một số người dân, nhất là hộ gia đình nghèo, cận nghèo. Ngoài ra, kiến thức một số bộ môn còn nặng so với nhận thức của một bộ phận học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc thực hiện giảng dạy tổ hợp các bộ môn còn gặp nhiều khó khăn do giáo viên chưa được đào tạo...

Đồng chí Ma Thị Thúy phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Ma Thị Thúy đề nghị huyện Na Hang có giải pháp cụ thể để khắc phục kịp thời những hạn chế Đoàn giám sát đã chỉ ra. Trong đó, tiếp tục rà soát, cân đối, sắp xếp, bố trí đội ngũ giáo viên đảm bảo đủ điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 theo quy định; linh hoạt trong bố trí giáo viên môn Ngoại ngữ, môn Tin học để thực hiện Chương trình sách giáo khoa mới cho khối lớp 3, khối lớp 7 từ năm học 2022 - 2023.

Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện các kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn. Huyện tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện sắp xếp, bố trí từng điểm trường, lớp học, bố trí giáo viên và triển khai chương trình sách giáo khoa mới tại các trường học; kịp thời tham mưu, đề xuất giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện ở cơ sở.

Tin, ảnh: Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục