Theo số liệu của Ban Dân tộc tỉnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống, tỷ lệ tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm dần. Giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh có 10.043 cặp kết hôn, trong đó có 319 cặp vợ chồng tảo hôn (chiếm 3,1%), tỷ lệ tảo hôn cao nhất là đồng bào dân tộc Mông 117 cặp (chiếm 36,67%); dân tộc Dao 109 cặp (chiếm 34,17%); dân tộc Tày 60 cặp (chiếm 18,81%). Độ tuổi tảo hôn thường từ 15 đến dưới 18 tuổi đối với nữ, từ 18 đến dưới 20 tuổi đối với nam.
Trường PTDT Nội trú ATK Sơn Dương phối hợp với Trung tâm y tế huyện tổ chức khám sức khỏe định kỳ năm học 2023 - 2024 cho gần 500 học sinh của nhà trường.
Thực tế cho thấy, việc kết hôn sớm khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm, chưa sẵn sàng tâm lý mang thai và sinh con sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người mẹ và sự phát triển bình thường của trẻ, tăng tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, thấp còi. Đồng thời, tảo hôn còn làm mất đi cơ hội học tập, việc làm, giảm chất lượng dân số.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do trình độ dân trí, ý thức pháp luật của người dân còn thấp, nhiều tập tục lạc hậu còn tồn tại như lập gia đình sớm để có thêm người làm, bên cạnh đó, do công tác quản lý, giáo dục con em của một số gia đình còn lỏng lẻo, việc giáo dục kiến thức sức khỏe sinh sản vị thành niên, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh ở một số trường còn hạn chế. Cùng với đó, mặt trái của mạng xã hội tác động, khiến trẻ vị thành niên có quan hệ yêu đương nam nữ sớm, mang thai ngoài ý muốn dẫn đến tảo hôn.
Thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch thực hiện các dự án, tiểu dự án về nội dung này, trọng tâm là tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ngăn chặn, đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đồng thời, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật tham gia thực hiện dự án; kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nội dung này trên địa bàn tỉnh.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, Ban Dân tộc tỉnh, các ngành, cơ quan chuyên môn liên quan, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực.
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Đoàn trường PTDT Nội trú ATK Sơn Dương cho biết: Đoàn trường đã tuyên truyền, phổ biến kiến thức đến học sinh về nội dung này bằng nhiều hình thức phong phú như: chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động của Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt chuyên đề dưới cờ; phối hợp với các cơ quan chuyên môn tuyên truyền tư vấn, khám sức khỏe miễn phí cho học sinh và giáo viên nhà trường, tuyên truyền cổ động trực quan bằng pano, áp phích... tăng cường khả năng tiếp cận thông tin cho đoàn viên, thanh niên nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng này.
Thôn Tân Minh, xã Kiến Thiết (Yên Sơn) có 148 hộ, 630 nhân khẩu thì trong đó có 80% là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm trước, mỗi năm, thôn đều có từ 2-3 hộ gia đình đồng bào Mông tảo hôn. Ông Đặng Văn Duyên, Bí thư Chi bộ, trưởng thôn cho biết: Để ngăn chặn hiệu quả việc tảo hôn, thôn đã phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể thường xuyên gần gũi, nắm tình hình các cháu trong độ tuổi kết hôn, thành lập các nhóm trên zalo, lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các cuộc họp, hội thi, giao lưu văn hóa văn nghệ; đưa vào quy ước của khu dân cư về tác hại và những hệ lụy của việc tảo hôn; vận động các gia đình tổ chức kết hôn cho con cái đúng độ tuổi quy định. Qua đó, nhận thức của người dân đã nâng lên, hiện nay tình trạng tảo hôn ở thôn đã giảm đáng kể so với trước.
Thời gian qua, Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng thường xuyên phối hợp với các trường Dân tộc Nội trú THPT, THCS trên địa bàn tỉnh tổ chức chiếu phim, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh các trường dân tộc nội trú nội dung này. Em Nông Lan Anh, học sinh lớp 12A, trường PTDT Nội trú THCS & THPT huyện Chiêm Hóa cho biết: từ kiến thức về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được nhà trường trang bị qua các buổi ngoại khóa, em nghĩ mình sẽ thực hiện tốt các quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình, nói không với tảo hôn vì một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn cho mình và cho thế hệ kế cận.
Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống xét đến cùng vẫn phụ thuộc vào ý thức từ mỗi người dân. Tảo hôn không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tạo ra những hệ lụy xấu mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Hơn lúc nào hết, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm xã hội trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình, góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng dân số, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Gửi phản hồi
In bài viết