Dự thảo đặt mục tiêu đến năm 2025: Tỉ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân trên 3%/năm; phấn đấu 30% số huyện nghèo, 30% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và cơ bản hỗ trợ xóa nhà đơn sơ, nhà thiếu kiên cố cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo.
Đến năm 2030: Phấn đấu cơ bản các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
Để đạt được mục tiêu trên, dự thảo Nghị quyết đưa ra 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, bao gồm: 1- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong công tác giảm nghèo; 2- Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác giảm nghèo; 3- Tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều; 4- Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo; 5- Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về giảm nghèo.
Trong đó, về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong công tác giảm nghèo, dự thảo nêu rõ tổ chức nghiên cứu, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái" của dân tộc ta đối với người nghèo. Động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo về kiến thức trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch 5 năm, hằng năm, thường kỳ và tổ chức thực hiện hiệu quả việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giảm nghèo; đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền, chú trọng tuyên truyền trên mạng xã hội; tiếp tục tổ chức Cuộc thi tác phẩm báo chí viết về giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình, các cơ sở truyền thanh, truyền hình, hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo tới nhân dân và các cấp chính quyền, nhất là ở cơ sở; kịp thời giới thiệu các cá nhân, tập thể, mô hình, kinh nghiệm hay trong giảm nghèo bền vững.
Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau", khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên "thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no" của người dân và cộng đồng, phấn đấu "Vì một Việt Nam không còn đói nghèo".
Về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác giảm nghèo: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện công tác giảm nghèo bền vững; xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án về công tác giảm nghèo.
Xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp về giảm nghèo trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hằng năm, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 của các cấp, các ngành, địa phương.
Về huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo, dự thảo Nghị quyết nêu rõ: Nhà nước ưu tiên nguồn lực thực hiện các chính sách đối với người nghèo; nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; thúc đẩy việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế cho công tác giảm nghèo bền vững thông qua các chương trình, phong trào, chính sách.
Tập trung nguồn lực cho giáo dục nghề nghiệp nâng cao trình độ, kiến thức sản xuất, tạo việc làm cho người nghèo; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ở các huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn.
Tăng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, phấn đấu tỉ lệ tăng trưởng vốn đầu tư phát triển của Nhà nước dành cho tín dụng chính sách xã hội hằng năm đạt bình quân từ 10% trở lên.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Gửi phản hồi
In bài viết