“Gian hàng Việt trực tuyến” hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến việc vận chuyển, tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Việc tham gia "Gian hàng Việt trực tuyến" trên các sàn thương mại điện tử đã phát huy vai trò kết nối trực tiếp từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng, mở ra kênh phân phối hàng hóa mới, hiện đại, được quản lý chặt chẽ, định vị giá trị thương hiệu doanh nghiệp và hàng Việt Nam.

Hội nghị “Gian hàng Việt trực tuyến” hỗ trợ doanh nghiệp phân phối sản phẩm trên sàn thương mại điện tử tổ chức tháng 4-2021.

Tham gia "Gian hàng Việt trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp phân phối sản phẩm trên sàn thương mại điện tử" do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội (HPA) và Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thu Nguyệt - Giám đốc Công ty TNHH May Hùng Nguyệt chia sẻ: "Các sản phẩm quần áo của đơn vị trước đây đã được phân phối tại nhiều đại lý bán lẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội, song do dịch Covid-19, lượng khách mua sắm trực tiếp giảm. Được sự hỗ trợ thông tin của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội, doanh nghiệp đã thử nghiệm bán hàng trên sàn thương mại điện tử thông qua "Gian hàng Việt trực tuyến" và nhận được nhiều đơn đặt hàng".

Nói về lợi ích mà "Gian hàng Việt trực tuyến" mang lại, Phó Giám đốc HPA Nguyễn Thị Mai Anh khẳng định, không chỉ giúp doanh nghiệp đưa hàng hóa trực tiếp tới người tiêu dùng, gian hàng còn tạo ra một không gian kinh doanh hiện đại, định vị đúng giá trị thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, các sản phẩm địa phương sẽ được hưởng lợi chung từ các hoạt động truyền thông, quảng bá trên "Gian hàng Việt trực tuyến" để tiếp cận khách hàng toàn quốc. Đây là vấn đề mà từng doanh nghiệp đơn lẻ khó có thể làm được trong thời điểm dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Chia sẻ về "Gian hàng Việt trực tuyến", Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số Đặng Hoàng Hải nêu rõ, chương trình được thiết kế theo mô hình phân phối trực tiếp từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng, thông qua các sàn thương mại điện tử Sendo, Voso, Tiki. Hoạt động này mở ra một kênh phân phối hàng hóa mới, hiện đại, được quản lý chặt chẽ cho các nhà sản xuất, định vị đúng giá trị thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm.

Đặc biệt, doanh nghiệp tham gia "Gian hàng Việt trực tuyến" sẽ được hỗ trợ đào tạo xây dựng chiến lược, giải pháp ứng dụng chuyển đổi số; tham gia các chương trình kết nối cung - cầu trực tuyến, hỗ trợ chính sách tài chính, tiếp cận vốn vay ưu đãi... Có thể nói đây sẽ là nơi chắp cánh cho thương hiệu và doanh nghiệp Việt đa dạng hóa kênh phân phối, hồi phục sản xuất, tiêu thụ hàng hóa hậu Covid-19.

Tuy nhiên, để đưa được hàng Việt lên các sàn thương mại điện tử đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn không ít khó khăn, trở ngại. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Eatu (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) Trần Đình Trọng cho biết, do đơn vị thiếu trang thiết bị, đặc biệt nhân lực chưa đủ kiến thức, kỹ năng quản lý, vận hành, ứng dụng thương mại điện tử, nên chất lượng cà phê mà đơn vị sản xuất rất tốt nhưng đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử không dễ. Đây là điểm hạn chế lớn mà hầu hết các hợp tác xã đang gặp phải trong quá trình chuyển đổi phương thức kinh doanh từ truyền thống sang kinh doanh số.

Phân tích nguyên nhân khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số Lại Việt Anh nêu rõ, hiện nhận thức của doanh nghiệp về phương thức kinh doanh qua thương mại điện tử còn hạn chế; thiếu cán bộ hiểu biết về công nghệ thông tin, quy trình bán hàng, marketing... Để sản phẩm đến tay người tiêu dùng đòi hỏi doanh nghiệp cần được đào tạo bài bản về cách thức quảng bá trực tuyến, xây dựng hình ảnh sản phẩm và hình ảnh doanh nghiệp. Bên cạnh đó là cách thức chăm sóc khách hàng, những dịch vụ sau bán hàng, các hình thức cam kết, quản lý chất lượng sản phẩm...

Để hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng lên sàn thương mại điện tử, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ cùng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số tổ chức đào tạo chuyên sâu, tổ chức hội nghị kết nối, cập nhật kiến thức số, tăng hiệu quả kinh doanh trên môi trường trực tuyến cho các doanh nghiệp; đồng thời, đẩy mạnh phát triển hạ tầng logistics phục vụ xuất khẩu hàng hóa qua thương mại điện tử.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục