Theo đồng chí Nguyễn Tuyên, Chấp hành viên cao cấp, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS), khó khăn đầu tiên khi tổ chức thi hành các vụ việc giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định là ở tính chất phức tạp của vụ việc. Đối tượng thi hành án ở đây không phải là tiền hay tài sản mà là con người, việc cưỡng chế thi hành án rất nhạy cảm, có thể gặp phải sự cản trở, chống đối từ rất nhiều phía như gia đình, họ hàng, dư luận địa phương, thậm chí từ chính người chưa thành niên.
Mới đây, Chi cục THADS huyện Sơn Dương đã thực hiện Quyết định của Tòa án nhân dân huyện Sơn Dương buộc chị Hoàng Thị O, xã Tú Thịnh có trách nhiệm giao cháu Lê Thị Bảo Y. (2016) cho anh Lê Quang H, là chồng trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục. Quá trình giải quyết vụ việc, Chấp hành viên phụ trách hồ sơ nhận thấy người được thi hành án mong muốn được nhận con sớm để cháu bé kịp làm thủ tục nhập học đầu năm học mới tại nơi ở mới, trong khi người phải thi hành án không muốn giao con, cố tình trốn tránh.
Một vụ việc liên quan đến giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng tại Chi cục THADS Sơn Dương.
Nhận thấy vụ việc thi hành án có tính chất phức tạp, liên quan đến con người và quyền nhân thân, quyền trẻ em, nếu tổ chức cưỡng chế thi hành sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vụ việc thi hành án dẫn đến kéo dài, khó thi hành. Với tinh thần trách nhiệm, sau khi ban hành Quyết định thi hành án, Chấp hành viên đã phối hợp với chính quyền địa phương nhiều lần đến gia đình chị Hoàng Thị O. để tuyên truyền, vận động, giải thích, thuyết phục tự nguyện thi hành án. Sau nhiều lần vận động thuyết phục, việc giao cháu Lê Thị Bảo Y. cho anh Lê Quang H. đã thành công tốt đẹp.
Chị Nguyễn Thị Dương Hồng, Phó Chi cục trưởng, Chi cục THADS huyện Sơn Dương cho biết: năm 2022, địa bàn huyện Sơn Dương có 2 vụ liên quan đến việc giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng, 1 vụ tại xã Tú Thịnh và 1 vụ tại xã Tân Thanh, cả 2 vụ chị đều tham gia làm công tác thi hành án. Việc thi hành án giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng là một loại việc thi hành án rất khó khăn, phức tạp trong thực tiễn, tính chất khá nhạy cảm do có khả năng ảnh hưởng lớn đến tâm lý của người chưa thành niên, người đang nuôi dưỡng người thành niên... Do đó, để giải quyết loại việc này Chấp hành viên luôn đặt giải pháp vận động người phải thi hành án tự nguyện giao người chưa thành niên lên hàng đầu.
Cũng là địa phương có nhiều trường hợp liên quan giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng, đồng chí Cao Trọng Thủy, Chi cục Trưởng, Chi cục THADS Chiêm Hóa cho biết: muốn giải quyết dứt điểm các việc này, cần tìm hiểu rõ nhân thân, quan hệ, đặc điểm về gia đình và hoàn cảnh của các bên, từ đó có kế hoạch vận động, đôn đốc, phân tích, thuyết phục, tác động tâm lý đến họ. Đồng thời cần tìm hiểu về điều kiện kinh tế và khả năng thực hiện nghĩa vụ của đương sự, tìm hiểu, xem xét và cân nhắc đến khả năng đương sự có thể thực hiện được hay không để sớm có kế hoạch xử lý hoặc đưa ra phương án cho đương sự làm sao thuận lợi nhất trong việc thực hiện nghĩa vụ của họ.
Thực tế hiện nay, tại điều 120 Luật THADS thì trong trường hợp người phải thi hành án hoặc người đang trông giữ người chưa thành niên không giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng, Chấp hành viên ra quyết định phạt tiền, ấn định thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng. Tuy nhiên, khi áp dụng quy định về xử lý vi phạm hành chính thì chấp hành viên lại gặp phải khó khăn. Vì theo quy định, hành vi không thực hiện việc giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định không thuộc thẩm quyền xử phạt hành chính của chấp hành viên và Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự mà thuộc thẩm quyền của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh. Đặc biệt là khó khăn trong việc cưỡng chế thi hành án, theo điều 39 Luật THADS quy định thông báo về thi hành án, khi chấp hành viên thực hiện cưỡng chế thi hành án thì phải thực hiện thông báo cưỡng chế thi hành án cho các đương sự. Do được biết trước về việc cưỡng chế nên người phải thi hành án thường đem người chưa thành niên đi bỏ trốn. Đây là một trong số nhiều bất cập trong việc giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng.
Gửi phản hồi
In bài viết