Nét riêng
Chỉ cần một khoảng đất trống, một khoảng sân rộng là người dân có thể tổ chức chơi, thi đấu các môn như kéo co, đẩy gậy, tung còn. Thêm vào đó, dụng cụ thể thao cũng rất đơn giản, người dân có thể tự chế tác từ những vật liệu dễ kiếm. Các môn thể thao dân tộc tạo nên vẻ đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và là hình ảnh đặc trưng của lễ hội miền núi.
Lâm Bình là một trong những địa phương vẫn còn lưu giữ được khá nhiều môn thể thao, trò chơi dân gian gắn liền với đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện có khoảng 30,5% dân số thường xuyên tập luyện TDTT; 25% gia đình tập luyện thể dục thể thao (TDTT). Tại các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng các địa phương đã linh hoạt, vận động nhân dân đóng góp xây dựng sân bãi phục vụ tập luyện TDTT, giao lưu thi đấu thường xuyên.
Hằng năm, tại các địa phương đều tổ chức những giải thể thao truyền thống và chú trọng các môn thể thao dân tộc như: Bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, tung còn, cà kheo... Do đó, các giải đấu, hoạt động TDTT đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa thường xuyên; là sân chơi bổ ích, nơi giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, xây dựng mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc, tạo không khí vui tươi lành mạnh, nâng cao sức khỏe người dân.
Môn cà kheo thu hút đông đảo người dân trên địa bàn huyện Na Hang tập luyện.
Không chỉ là những môn thể thao rèn luyện sức khỏe, nhiều VĐV đã trở thành lực lượng nòng cốt tham gia các giải thi đấu cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc.
Nhiều lần đạt thành tích cao tại các giải của huyện, tỉnh cũng như toàn quốc môn bắn nỏ, nhưng với chị Hà Thị Khách, thôn An Phú, xã Tân An (Chiêm Hóa) khát khao chinh phục những điểm 10 vẫn luôn cháy bỏng. Tại các hội thao, các giải đấu của tỉnh đến các giải đấu toàn quốc, chỉ cần có môn bắn nỏ là chị đăng ký tham gia.
Với chị, bắn nỏ là môn thể thao có ý nghĩa đặc biệt, tinh túy và thiêng liêng nhất mà ông cha đã truyền lại. Vì thế, chị Khách cho rằng, trách nhiệm của bản thân là phải làm gương, "truyền lửa" để lớp trẻ yêu thích và gắn bó với môn bắn nỏ nhiều hơn. Tiếp nối thành tích của chị, các thành viên trong gia đình đều học bắn nỏ để phát huy truyền thống người Tày. Bên cạnh đó, chị còn tập hợp thanh niên yêu thích môn bắn nỏ trong thôn để tập luyện, hình thành ở họ ý thức lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Giữ lửa
Ngược dòng quá khứ, bắt nguồn từ đời sống, với lịch sử phát triển và cả những triết lý dân gian của các dân tộc vùng cao, nhiều trò chơi, sinh hoạt đời sống, sản xuất đã hình thành, phát triển thành những môn thể thao hấp dẫn, phù hợp với điều kiện từng nơi, mà đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, cà kheo cũng nằm trong số ấy. Đời sống phát triển, thể thao có cơ hội được đầu tư, việc bảo tồn, phát triển các môn thể thao truyền thống không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần mà còn phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc.
Thực tế, các môn thể thao dân tộc không còn là câu chuyện riêng của mỗi cộng đồng mà đã được luật hóa. Luật Thể dục, Thể thao năm 2006 có quy định về các môn thể thao dân tộc, theo đó Nhà nước có chính sách bảo vệ và phát huy các môn thể thao dân tộc theo quy định của Luật Di sản văn hóa; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia khai thác và phát triển các môn thể thao dân tộc, chú trọng các loại hình thể thao của các dân tộc thiểu số.
VĐV đoàn Tuyên Quang giành Huy chương Bạc môn tung còn tại Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc, khu vực I năm 2023.
Đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Trong các nhóm giải pháp nhằm đưa công tác bảo tồn, gìn giữ, phát triển các môn thể thao dân tộc đạt hiệu quả, trước mắt các địa phương trong tỉnh cần đẩy mạnh tổ chức lồng ghép giao lưu, thi đấu thể thao dân tộc, coi đó là sản phẩm du lịch mới, đặc sắc của vùng miền để thu hút du khách, phát triển du lịch.
Đồng thời tích cực truyền dạy cho thế hệ trẻ, tăng cường phát hiện, tuyển chọn những tài năng trẻ, triển vọng, duy trì, nhân rộng câu lạc bộ thể thao dân tộc ở khắp các địa phương, làm lan tỏa tình yêu đối với thể thao dân tộc nói riêng, truyền thống văn hóa dân tộc nói chung.
Cùng với đó, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư, tăng cường nguồn kinh phí xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao là rất cần thiết để tạo động lực mạnh mẽ, khuyến khích phong trào rèn luyện, phát triển các môn thể thao dân tộc.
Có thể thấy, công tác bảo tồn, gìn giữ và phát triển các môn thể thao dân tộc đã và đang được tỉnh quan tâm, đầu tư đúng hướng, hiệu quả. Đây cũng chính là nền tảng vững chắc để tỉnh phát huy thế mạnh, huy động sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân tham gia giữ gìn các nét đẹp văn hóa truyền thống, giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc, góp phần vào việc xây dựng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" thêm chặt chẽ và thiết thực.
Gửi phản hồi
In bài viết