Để niềm hân hoan thêm trọn vẹn

- Sự kiện thành phố Tuyên Quang được lên đô thị hạng II mở ra cơ hội lớn để thành phố phát triển trong tương lai. Mười năm qua, thành phố đã đạt được thành tích đáng ghi nhận. Tuy nhiên trong các bài nói chuyện, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc rằng, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, thoả mãn; không được say sưa với thành tích mà phải nỗ lực hơn nữa, hành động quyết liệt và sáng tạo hơn nữa.

Nhìn nhận một cách khách quan rằng, chặng đường tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí của một đô thị hạng II và tiến tới thành phố loại I còn nhiều khó  khăn và không ít thách thức.

Thách thức lớn nhất là phát triển kinh tế bền vững, người dân có thu nhập ngày một cao hơn. Bình quân thu nhập hơn 70 triệu đồng/năm đã là mức khá. Song con số này không có nhiều ý nghĩa đối với những người nghèo. Thực tế không giống như cách tính trên giấy.

Về công nghiệp, trên địa bàn thành phố, chưa có nhà máy sử dụng công nghệ cao, đóng góp lớn cho ngân sách. Nông nghiệp được coi là trụ đỡ của nền kinh tế thì chưa hình thành cánh đồng mẫu lớn ngay cả trên các cánh đồng ở Ỷ La, Kim Phú, nơi lâu nay được xem là vựa lúa của tỉnh. Do đặc điểm địa hình, xây dựng cánh đồng mẫu lớn của thành phố Tuyên Quang không quá căn cứ vào diện tích, quan trọng ở chỗ sản xuất ra một loại sản phẩm đủ số lượng, chất lượng cao trở thành hàng hoá. Những hộ, hợp tác xã trồng hoa, trồng rau sạch còn nhỏ lẻ, phân tán, chưa được liên kết, chưa định hình được thương hiệu.

Ở khâu dịch vụ thương mại mới chỉ có chợ Tam Cờ được xây dựng nhưng đã đến lúc phải sửa chữa, nâng cấp. Các chợ Trường Tiến, chợ Ỷ La, chợ Phan Thiết lều quán phần nhiều tạm bợ, hàng hoá chưa được xắp xếp theo trật tự. Trong khi, do sai lầm trong quy hoạch, chợ Nông Tiến  xây dựng xong bị bỏ không.

Kinh tế du lịch đặt ở tầm là mũi nhọn, đã có nhiều tín hiệu vui. Song cũng đòi hỏi cách làm chuyên nghiệp, có chiến lược rõ ràng hơn. Lâu nay chú trọng nhiều đến du lịch tâm linh nhưng tiết lễ các đền na ná như nhau, không tạo được điểm nhấn thu hút du khách. Lễ hội rước mẫu đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La cần nghiên cứu cải tiến sao cho vừa giữ nét truyền thống và thích ứng với nhịp sống thời hiện đại. Nên chăng, ba năm một lần lễ nhỏ, năm năm một lần lễ lớn, rút ngắn chặng đường. Thời đại di chuyển chủ yếu bằng cơ giới mà đoàn rước hàng trăm người diễu bộ bốn cây số, về cuối đội hình xộc xệch không còn giữ được vẻ trang nghiêm kính cẩn. Lễ hội Thành Tuyên cần thiết kế lại chương trình sao cho thể hiện được thiếu nhi là chủ thể, là ngày tết Trung thu, có biểu diễn hát múa, thi làm đèn kéo quân, thi làm con giống, thi bày cỗ, rồi còn thưởng trăng, phá cỗ…Những con giống, mô hình không nên lấy kích thước làm trọng mà khuyến khích theo hướng tinh xảo, tài khéo, trở thành tác phẩm nghệ thuật, thành sản phẩm lưu niệm có giá trị. Tình trạng mấy năm qua, sau lễ hội, những mô hình to khủng để ở ven đường, vừa ảnh hưởng vẻ đẹp phố phường vừa gây ô nhiễm.

Loại hình du lịch lịch sử ở địa bàn thành phố dường như chưa được chú ý tương xứng với tiềm năng vốn có. Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải chỉ có ở các huyện vùng An toàn khu Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hoá mà ở thành phố Tuyên Quang cũng có nhiều địa danh ghi dấu những hoạt động của Người. Tài liệu lịch sử cho biết, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác từng đi kiểm tra phương án bảo đảm giao thông tuyến đường 13A, với trọng điểm là bến phà Bình Ca. Bác có lần gặp, biểu dương hai người dân thị xã Tuyên Quang có thành tích mua công trái tại  một địa điểm gần cầu Chả. Bác đến thăm làm việc với các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lào tại phường Mỹ Lâm. Năm 1961, lên thăm Tuyên Quang, Bác đã nghỉ đêm ở trụ sở Tỉnh uỷ Tuyên Quang. Đó là ngôi nhà hai tầng ở phía tay trái theo đường lên khu trụ sở Uỷ ban nhân dân tỉnh. (Về sau trụ sở Tỉnh uỷ chuyển về khu đồi mà trước đó là địa điểm của ba Trường Bổ túc văn hoá, Trường Thiếu nhi vùng cao và Trường Sư phạm cấp I Bình Thuận). Và còn nhiều di tích lịch sử khác hiện chỉ mới điểm danh chưa để tâm sưu tầm, tôn tạo phục vụ du lịch. Cũng đã đến lúc khắc phục thiếu sót trong khi tôn tạo di tích thành nhà Mạc (còn gọi là thành Tuyên Quang), để di tích hiếm hoi này trở lại nguyên trạng và vẻ đẹp vốn có.

Về đường sá, một thời do nguồn vốn hạn hẹp, nhiều tuyến đường nội đô thiết kế tràn nước mặt, tức là không có cống rãnh. Riêng khắc phục nhược điểm này tốn không ít kính phí, thời gian. Do quy hoạch thiếu nhất quán giữa các lần điều chỉnh, thiếu liên thông giữa xây dựng và giao thông, quản lý xây dựng chưa chặt chẽ, nhất là quản lý chỉ giới xây dựng cùng nhiều nguyên nhân khác dẫn đến công sở và nhà dân xen nhau, cảnh quan kiến trúc một số tuyến phố thiếu đi vẻ đẹp của một đô thị hiện đại và gây hệ luỵ lâu dài. Mặt sau nhiều tuyến phố, tình trạng người dân xây lấn đất công khiến đường kỹ thuật, cứu nạn mất tác dụng, không thể khắc phục.

Một thành phố tỉnh lỵ cần những thiết chế văn hoá như nhà văn hoá thành phố, nhà hát, rạp chiếu phim, khu liên hợp thể thao gồm sân đá bóng, nhà thi đấu đa năng… Những thiết chế đó hi vọng được xây dựng trong năm, bảy năm tới. Để những thiết chế nói trên có đủ kinh phí, chắc hẳn phải huy động nguồn vốn xã hội hoá chứ không chỉ dựa vào ngân sách nhà nước.

Một thử thách không kém phần gay gắt là tạo dựng môi trường trong lành, vấn đề có tính quốc gia, quốc tế. Thu gom rác thải sinh hoạt thủ công, xử lý cách chôn lấp lạc hậu, ô nhiễm không được xử lý triệt để, lãng phí một nguồn nguyên liệu  đầu vào cho một số ngành sản xuất khác. Một thành phố văn minh đòi hỏi có nhà máy xử lý rác thải hiện đại, trong đó rác thải được tái chế. Không riêng chế biến rác thải mà vấn đề kinh tế tuần hoàn cần được quan tâm đúng tầm. Phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp như rơm rạ còn để lãng phí đáng tiếc.

Thiết kế cho thành phố một không gian xanh là đòi hỏi của phát triển du lịch. Mỗi tuyến phố trồng một loại cây (cây bóng mát hoặc cây ra hoa) tạo nên nét riêng của tuyến phố đó. Từng có đường gốc Nhội, có tuyến đường trồng hai hàng bồ hòn. Ta có nhiều cây bản địa đẹp, mỗi cây mỗi vẻ, thân thuộc, ưa nhìn khác hẳn cây ngoại nhập. Cây móc cao to, thân, tán hài hoà đẹp hơn hẳn cây cau vua. Rừng trong thành phố, ước vọng chẳng hề viển vông đối với thành phố Tuyên Quang. Chắc hẳn không hề thiếu đất cho công viên và những vườn cây xanh. Cũng là một cách quảng bá tài nguyên rừng địa phương. Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lãnh đạo tỉnh, Tuyên Quang cần thể hiện sự sắc nét. Thành phố sẽ đi đầu tạo nên sự sắc nét ấy.

Một chiều ý nghĩa quan trọng của tạo dựng môi trường trong lành là khơi dậy, lan toả trong mọi công dân thành phố nếp sống thanh lịch, mang sắc thái Thủ đô Kháng chiến. Một thành phố không có người làm ra, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; không có người trồng rau hai luống, nuôi gà lợn hai chuồng. Một thành phố người dân từ người già đến trẻ nhỏ chấp hành nghiêm pháp luật, pháp lệnh, không có hiện tượng phóng nhanh vượt ẩu, ẫm ĩ còi xe vô lối, không có hàng quán, xe cộ lấn chiếm lòng đường vỉa hè. Một thành phố người dân luôn thân thiện, cởi mở, không chặt chém du khách…

Nhận rõ khó khăn thách thức, lãnh đạo thành phố, lãnh đạo các phường xã cần có tư duy đột phá, vượt qua lối mòn lộ trình cụ thể, hành động rốt ráo đảm bảo tính khả thi, phân công trách nhiệm, đồng thời động viên mỗi công dân thành phố chung tay vào cuộc. Hi vọng, một ngày không xa, khách du lịch truyền nhau câu ca dao mới: 

Ai ơi hãy về phố Tuyên/Người dân thân thiện, thiên nhiên trong lành.

Mạc Ninh

Tin cùng chuyên mục