Ảnh minh họa.
Trước đó, Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai từng tuyên bố “báo động đỏ” và yêu cầu tăng tốc phát triển các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), hướng tới mục tiêu tung ra ít nhất 20 sản phẩm AI trong năm 2023. Tới nay, nhiều trong số các dự án này đã được tiết lộ, bao gồm cả công cụ đàm thoại tự động (chatbot) mang tên Apprentice Bard, sử dụng công nghệ chuyển đổi LaMDA của Google.
Về mặt chức năng, Apprentice Bard gần như tương đồng với ChatGPT, khi cho phép người dùng nhập câu hỏi để nhận được câu trả lời dưới dạng văn bản.
Theo CNBC (Mỹ), hiện hãng phần mềm Mỹ đang dốc toàn lực cho Apprentice Bard, thậm chí yêu cầu đội ngũ phát triển không cần tham dự các cuộc họp không liên quan. So với ChatGPT, Apprentice Bard có một số ưu điểm, như có thể cung cấp các thông tin mới, các sự kiện mới phát sinh…, thay vì chỉ giới hạn dữ liệu từ năm 2021 trở đi.
Tuy nhiên, việc cung cấp công cụ mới cho số đông người dùng sử dụng vẫn là điều Google đang dè dặt, bởi nếu mang tới thông tin sai lệch cho người dùng, sẽ gây nhiều rắc rối đối với doanh nghiệp ở quy mô lớn như vậy. Theo tạp chí Time (Mỹ), Google đang ưu tiên thông tin an toàn, độ chính xác và tìm cách chặn các thông tin sai lệch khi phát triển các chatbot.
Ngoài Apprentice Bard, Google cũng đang thử nghiệm công cụ tìm kiếm mới sử dụng định dạng hỏi-đáp. Sau khi người dùng nhập thông tin tra cứu, trang tìm kiếm sẽ trả kết quả dưới dạng tương tự phản hồi từ người thật. Mỗi phản hồi sẽ có thêm các lựa chọn gợi ý và những thông tin liên quan dưới dạng liên kết và tiêu đề.
Chưa dừng ở đó, một dự án khác có tên “Atlas” đang được phát triển bởi nhóm nghiên cứu điện toán đám mây của Alphabet (công ty mẹ của Google). Dù thông tin về dự án này chưa được công bố nhiều, nhưng đây là một phần trong nỗ lực liên quan đến “báo động đỏ” của Google.
Gửi phản hồi
In bài viết