Góp sức vì quê hương

- Từ tháng 11-2020, xã Tri Phú (Chiêm Hóa) có chợ phiên. Chợ họp 4 phiên/tháng vào ngày thứ 7. Người dám bỏ ra 600 triệu để làm chợ là anh Seo Văn Dư, dân tộc Tày, thôn Bản Nghiên.

Anh Seo Văn Dư.

Nhất định phải xây dựng được chợ phiên để thúc đẩy giao thương hàng hóa của nhân dân là mục tiêu mà Đảng ủy, UBND xã nung nấu từ năm 2013. Nguồn lực Nhà nước còn hạn chế, vì vậy để xây dựng được chợ bắt buộc phải xã hội hóa.

Nhiều năm ròng, lãnh đạo xã chủ động tìm kiếm nguồn lực để xây dựng chợ nhưng không có kết quả. Số tiền bỏ ra đầu tư lớn, trong khi thu lại sẽ là “nhặt” tiền lẻ và nhiều năm mới thu được vốn. Vì thế, nhiều người không mặn mà.

Trên hành trình tìm kiếm nguồn lực, lãnh đạo xã nhận thấy, anh Seo Văn Dự là người chất phác, nhiệt tình lại làm kinh tế giỏi của địa phương. Được vận động, tuyên truyền, anh Dự hiểu “Nếu không có cá nhân nào mạnh dạn đứng lên thì xã không bao giờ có chợ. Đời sống kinh tế của người dân mãi mãi không “bứt phá” được”. Khi ấy, anh Dự đang định vay Ngân hàng 500 triệu đồng để mở rộng quy mô kinh tế của gia đình từ gia trại lên trang trại. Song anh bàn với vợ, dành nguồn vay đó để xây dựng chợ.

Tháng 9-2020, UBND xã quy hoạch diện tích xây dựng chợ với tổng diện tích khoảng 500 m2 tại thôn Bản Ba. Anh Dự đầu tư 350 triệu đồng để xây dựng 18 gian hàng kiên cố.

Giữa tháng 11-2020, UBND xã khánh thành, đưa chợ đi vào hoạt động. Sau gần 1 năm đi vào hoạt động, mỗi phiên chợ thu hút hàng trăm tiểu thương, nhân dân trong và ngoài địa phương đến giao thương hàng hóa. Anh Dự đã đầu tư thêm 250 triệu đồng để xây dựng thêm 3 gian hàng, đổ sân bê tông, công trình vệ sinh, rãnh thoát nước. Chợ có tổng diện tích là 1.700 m2. Tính đến nay, anh Dự đã đầu tư 600 triệu đồng để xây dựng chợ.

Trung bình mỗi tháng, Ban Quản lý chợ do anh Dự làm trưởng ban thu được 7 triệu đồng tiền phí. Ước khoảng 10 năm nữa anh Dự mới thu hồi được gốc, chưa tính đến lãi suất ngân hàng. Trong khi đó, nguồn thu từ mô hình gia trại của anh giảm hẳn vì thời gian, công sức anh dành cho hoạt động của chợ. “Năm 2020, tôi xuất khoảng trên 3.000 con gà thịt, 11 tấn lợn hơi ra thị trường. Sang năm 2021, tôi không nuôi được gà, lợn hơi xuất ra giảm 1 nửa. Song bù lại, nhiều người dân địa phương thấy tôi, họ tay bắt mặt mừng, không ngớt lời cảm ơn vì tôi làm chợ, để họ có thêm thu nhập từ bán hàng, nhất là nông sản do bà con tự sản xuất ra. Tôi thấy vui lắm” - anh Dự cười bảo.

Nhờ “vì dân” của cấp ủy, chính quyền xã Tri Phú và anh Seo Văn Dự, hoạt động của chợ phiên đã đưa đời sống của người dân địa phương nâng lên 1 bước. Thu nhập bình quân đầu người của xã nâng từ 31 triệu đồng lên 32 triệu đồng/người/năm sau 1 năm. Nâng cao chất lượng hoạt động chợ phiên là 1 giải pháp quan trọng để Đảng bộ xã hoàn thành mục tiêu đạt 43,5 triệu đồng/người/năm đến hết năm 2025.

Bí thư Đảng ủy xã Triệu Phúc Phương nhấn mạnh, “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ thuộc về phần ai”. Đảng bộ và nhân dân xã Tri Phú luôn ghi nhớ sự đóng góp của anh Dự bởi anh lựa chọn việc khó, thiệt thòi về mình, góp sức cùng Đảng ủy, UBND xã đưa đời sống kinh tế của đồng bào các dân tộc của xã Tri Phú nâng cao.                 

Bài, ảnh:  Bích Hằng

Tin cùng chuyên mục