Theo Sở Du lịch Hà Nội, Điểm du lịch Tam Hiệp (Thanh Trì) có nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa, gồm ba thôn, làng: Huỳnh Cung, Yên Ngưu, Tựu Liệt.
Cụm di tích đình - chùa Huỳnh Cung.
Tam Hiệp là vùng đất có nhiều công trình văn hóa, kiến trúc, điêu khắc độc đáo, góp phần làm phong phú truyền thống văn hóa Hà Nội nghìn năm văn hiến. Trên địa bàn xã có 7 di tích, trong đó có 5 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia; 2 di tích xếp hạng cấp thành phố và 1 di tích đang làm hồ sơ xếp hạng; 1 khu lưu niệm sự kiện cách mạng.
Hiện Tam Hiệp nhiều sản phẩm du lịch, trong đó nổi bật có 4 cụm, điểm tham quan, trải nghiệm chính: Cụm di tích Đình - chùa Huỳnh Cung, khu lưu niệm sự kiện cách mạng Bác Hồ về thăm và văn chỉ Chu Văn An; cụm di tích đình - chùa Tựu Liệt; cụm di tích đình - chùa Yên Ngưu; mô hình du lịch nông nghiệp - làng nghề và trải nghiệm các sản phẩm dịch vụ giải trí, ẩm thực.
Cũng trên địa bàn huyện Thanh Trì, Điểm du lịch Thanh Liệt có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng; địa giới gồm 5 thôn, 2 tổ dân phố. Trên địa bàn xã có 8 di tích (3 đình, 1 đền, 3 chùa, 1 miếu). Trong đó có có 3 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia (chùa Quang Ân, đình thờ danh nhân Chu Văn An, đình thờ Đô Hồ Đại Vương Phạm Tu), một địa điểm gắn bia lưu niệm sự kiện cách mạng tại chùa Quang Phúc.
Hiện nay, sản phẩm du lịch đang khai thác chủ yếu ở điểm du lịch này là: Du lịch tham quan di tích lịch sử văn hóa; trải nghiệm không gian biểu diễn nghệ thuật trình diễn truyền thống; tham quan trải nghiệm, mua sắm, ẩm thực, vui chơi giải trí.
Điểm du lịch Duyên Hà (huyện Thanh trì) có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng; địa giới gồm bốn thôn: Đại Lan, Văn Uyên, Tranh Khúc và Tân Hà. Duyên Hà là một vùng đất cổ, có cư dân làm ăn sinh sống từ sớm, làng quê được hình thành cùng với quá trình dựng nước từ thuở các vua Hùng.
Đặc biệt, trên địa bàn có làng Đại Lan, tuy là làng nhỏ, nhưng thời phong kiến nổi danh cả nước với 18 vị khoa bảng và danh nhân văn hóa Nguyễn Như Đổ.
Làng làm bánh chưng Tranh Khúc (Duyên Hà).
Trên địa bàn xã có 8 di tích (3 đình, 3 chùa, 1 đền, 1 miếu) trong đó có 2 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia (đình, chùa thôn Đại Lan); 3 di tích di tích đang làm hồ sơ xếp hạng (đình, chùa, miếu thôn Tranh Khúc).
Hiện tại đây đang khai thác 4 tuyến du lịch: Làng nghề truyền thống làm bánh Tranh Khúc; Cụm di tích đình - chùa - miếu thôn Tranh Khúc, đình - chùa - miếu thôn Văn Uyên gắn với lễ hội hàng tổng Nam Phù; mô hình du lịch nông nghiệp; vui chơi giải trí ở thôn Tranh Khúc và thôn Văn Uyển.
Điểm du lịch Lệ Mật (phường Việt Hưng, quận Long Biên) có lợi thế giáp ranh với 2 tuyến đường giao thông quốc gia huyết mạch đi qua quận Long Biên (đường 5, đường 1), cận kề với 2 con sông lớn ở Bắc Bộ là sông Hồng và sông Đuống. Đây là những điều kiện tự nhiên - xã hội hết sức quan trọng để Làng nghề Lệ Mật có thể khai thác, phát triển ngành kinh tế dịch vụ, trong đó có du lịch.
Lễ hội làng Lệ Mật.
Điểm du lịch Lệ Mật và phụ cận kết nối với điểm du lịch có những di sản lịch sử văn hóa độc đáo khá hấp dẫn du khách. Điểm đến này có 5 di tích đã được xếp hạng quốc gia, gồm: Di tích đình Trường Lâm, di tích chùa Trường Lâm, di tích đình Kim Quan, di tích chùa Kim Quan, di tích đình Lệ Mật và 1 di tích xếp hạng cấp thành phố (di tích chùa Lệ Mật); Làng nghề truyền thống Lệ Mật nổi tiếng với nghề nuôi rắn có từ nghìn năm nay; những hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian (điệu múa "Lột xác rắn", điệu múa "Giảo Long", quan họ, ca trù, chầu văn...).
Gửi phản hồi
In bài viết