Hội nghị nhằm góp phần xây dựng kế hoạch “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trong ngành du lịch, đồng thời đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng cao, giúp tăng nội lực ngành Du lịch Thủ đô, dần phục hồi và phát triển trong giai đoạn tới.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, thời gian qua, công tác quản lý các khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, như chủ động triển khai xây dựng khung dữ liệu và thông tin cơ bản liên quan đến điểm đến theo 5 loại hình: Du lịch di sản - di tích, du lịch làng nghề, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch thể thao - vui chơi giải trí và du lịch nông nghiệp. Hà Nội cũng đã có 21 khu, điểm được công nhận là điểm du lịch cấp thành phố.
Ông Trần Trung Hiếu cũng chỉ ra một số bất cập trong thực trạng hoạt động tại các khu du lịch và điểm tham quan du lịch trên địa bàn thành phố. Điển hình như, hạ tầng cơ sở vật chật kỹ thuật phục vụ du lịch (bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, điểm dừng chân, điểm cung cấp dịch vụ) còn thiếu về số lượng và chất lượng; dịch vụ gia tăng phục vụ khách còn hạn chế; một số điểm đến còn tồn tại tình trạng bán hàng rong, chèo kéo du khách; hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, quảng bá trực tuyến, hỗ trợ khách du lịch chưa đáp ứng yêu cầu; chất lượng nguồn nhân lực không đồng đều, tính chuyên nghiệp trong phục vụ khách du lịch chưa cao; thiếu các điểm đến du lịch chất lượng cao. Vì thế, việc xây dựng bộ tiêu chí đánh giá điểm du lịch chất lượng cao trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2021-2025 có vai trò quan trọng, giúp cho Hà Nội xây dựng được những sản phẩm du lịch hấp dẫn, nâng cao chất lượng điểm đến.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, năm 2018, đơn vị đã ban hành Kế hoạch 123/KH-SDL về việc triển khai xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá khu, điểm du lịch chất lượng cao. Bộ tiêu chí là căn cứ để thành phố Hà Nội đánh giá mức chất lượng của các khu, điểm du lịch trên địa bàn Thủ đô và là cơ sở để định hướng cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp quản lý các điểm đến du lịch trong việc nâng cao chất lượng các khu, điểm du lịch, phấn đấu đạt được mức khu, điểm du lịch chất lượng cao của Hà Nội.
Theo đó, Bộ tiêu chí được xây dựng dựa trên 6 nhóm tiêu chí lớn để đánh giá, bao gồm: Tài nguyên du lịch, sản phẩm và dịch vụ, quản lý điểm đến, cơ sở hạ tầng, sự tham gia của cộng đồng địa phương, mức độ hài lòng của khách du lịch đối với điểm đến. Các tiêu chí này đều có các thang điểm rõ ràng trên tổng điểm 100, để xác định khu, điểm du lịch đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, đảm bảo tính khoa học trong quá trình đánh giá cũng như giúp các khu, điểm du lịch có thể tự đánh giá thực trạng của đơn vị, từ đó đưa ra kế hoạch phát triển, nâng cao chất lượng điểm đến phù hợp trong tương lai.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đóng góp các ý kiến để Hà Nội phát huy giá trị các điểm đến trong việc thu hút du khách. Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Tổng cục Du lịch - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Đỗ Cẩm Thơ, việc xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá điểm du lịch chất lượng cao trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 rất cần thiết, để giúp Hà Nội xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch, điểm đến chất lượng phục vụ du khách. Ngoài việc xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng điểm đến, Hà Nội cần chú trọng thêm việc liên kết giữa các khu, điểm du lịch, các địa phương để xây dựng những tour, tuyến du lịch chất lượng, hấp dẫn.
Trong khi đó, PGS.TS Phạm Trương Hoàng, Trưởng khoa Du lịch, khách sạn, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội gợi ý, sau khi có kết quả tự đánh giá của các điểm du lịch, Hà Nội cần đẩy mạnh khâu quảng bá để hấp dẫn du khách nội địa và quốc tế.
Sau hội nghị này, các khu, điểm du lịch trên địa bàn Hà Nội sẽ thực hiện tự đánh giá khu, điểm du lịch chất lượng cao, từ đó sẽ có chiến lược phát huy giá trị điểm đến, khắc phục hạn chế để nâng cao chất lượng dịch vụ hấp dẫn du khách hơn nữa.
Gửi phản hồi
In bài viết