Hà Nội và các địa phương xúc tiến quảng bá điểm đến du lịch liên vùng

Ngày 23-7, tại thành phố Cần Thơ, Sở Du lịch Hà Nội, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum phối hợp tổ chức hội nghị xúc tiến, quảng bá điểm đến du lịch liên vùng giữa Hà Nội - Ninh Bình - Kon Tum với các tỉnh Tây Nam Bộ.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang chia sẻ, Hà Nội - Ninh Bình - Kon Tum và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là các điểm đến có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa, du lịch sinh thái đa dạng và phong phú. Đồng bằng sông Cửu Long là một trong 7 vùng trọng điểm du lịch của cả nước với hệ thống tài nguyên du lịch phong phú và mang tính đặc thù, độc đáo riêng gắn với biển đảo, sông nước, miệt vườn, chợ nổi…

Thời gian qua, Hà Nội đã tích cực, chủ động triển khai nhiều chương trình, hoạt động hợp tác với các địa phương, trong đó có các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, như các chương trình famtrip, presstrip, xây dựng sản phẩm liên kết... Qua đó, đã có nhiều công ty lữ hành du lịch ở Hà Nội tổ chức các chương trình tour, đưa du khách từ Thủ đô đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.


Các doanh nghiệp lữ hành khảo sát tại Khu nghỉ dưỡng Cần Thơ Eco Resort. Ảnh: Linh Tâm

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ, thành phố Cần Thơ có tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, nhất là loại hình du lịch MICE, du lịch sông nước, du lịch văn hóa... 6 tháng đầu năm 2024, Cần Thơ đã đón 3,7 triệu lượt khách, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Tuấn, hội nghị lần này là cơ hội để các địa phương quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch, văn hóa và con người; là dịp để các doanh nghiệp lữ hành, du lịch giao lưu, xây dựng mối quan hệ phát triển kinh doanh.

Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội du lịch của các địa phương và các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập, đồng thời hiến kế nhằm đẩy mạnh việc kết nối sản phẩm, tour tuyến giữa các doanh nghiệp và các địa phương trong thời gian tới.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản, bất cứ tỉnh nào cũng có những lợi thế và hạn chế nhất định, vì vậy cần có sự liên kết hợp tác giữa các địa phương để chia sẻ kinh nghiệm, biến sản phẩm du lịch thành hàng hóa, phát triển các dự án đào tạo nguồn nhân lực, làm mới sản phẩm cũ... Đó là cách để phát triển du lịch bền vững, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội cho các địa phương.

Nhằm tăng cường hơn nữa sự liên kết, hợp tác giữa các cơ quan quản lý của các địa phương trong việc liên kết, xây dựng tuyến du lịch giữa thành phố Hà Nội, Ninh Bình, Kon Tum với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang đề xuất, cần thường xuyên phối hợp tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp du lịch giữa các địa phương và cơ quan quản lý nhà nước; tăng cường tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm du lịch đặc sắc và đa dạng hóa các hình thức quảng bá thông qua các website, nền tảng mạng xã hội.

Đồng thời, kết nối sản phẩm du lịch gắn với các hãng hàng không để tăng tần suất các chuyến bay giữa các địa phương, có cơ chế phối hợp giữa các doanh nghiệp vận chuyển, lữ hành và lưu trú cùng với các hãng hàng không để xây dựng các gói sản phẩm ưu đãi, kích cầu du lịch nội địa; xây dựng sản phẩm du lịch thông minh, tăng cường cung cấp cho du khách những dịch vụ, tiện ích, trải nghiệm thông qua các nền tảng công nghệ số...

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục