Hạ tầng công nghệ thông tin “Đòn bẩy” thúc đẩy phát triển

- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định, phát triển hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, theo hướng hiện đại là một trong ba khâu đột phá để thực hiện mục tiêu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Hạ tầng công nghệ thông tin bao gồm hạ tầng đường truyền internet cáp quang và công nghệ thông tin. Hạ tầng mạng cáp quang đã được triển khai trên quy mô toàn tỉnh với hơn 1.000 trạm thu phát sóng di động, 2.579 thiết bị thu phát sóng từ 2 đến 4G, phủ sóng đến 95% diện tích toàn tỉnh, 99,9% thôn, bản.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, toàn tỉnh vẫn còn 132 thôn thuộc 46 xã chưa có internet băng thông rộng phân bố ở tất cả các huyện trong tỉnh. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đã từng bước được đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Tỉnh chưa đầu tư xây dựng hệ thống mạng diện rộng, chưa xây dựng trung tâm điều hành thông minh, nguồn nhân lực công nghệ thông tin còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Về cơ bản, hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, vừa thiếu lại vừa yếu, cần có sự đầu tư đồng bộ, toàn diện để bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số đang được Chính phủ chỉ đạo thực hiện.

Nhân viên VNPT Tuyên Quang kiểm tra chất lượng đường truyền Internet. Ảnh: Quốc Việt

Trước yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, việc phát triển hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bảo đảm nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, thúc đẩy sự phát triển nền sản xuất hàng hóa, đáp ứng ngày càng đa dạng nhu cầu thị trường.

Được sự quan tâm, giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và bằng nội lực, hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh đã được quan tâm đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là trong cải cách hành chính, giảm đầu mối, tăng kết nối giữa doanh nghiệp, người dân và cơ quan Nhà nước.

Ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Sở Giao thông - Vận tải phối hợp với các cơ quan chức năng đã hoàn thành xây dựng dự thảo Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh, Đề án của UBND tỉnh về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị đánh giá, cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết và Đề án này với những nhiệm vụ quan trọng sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Tỉnh đề ra mục tiêu xây dựng, cải tạo, nâng cấp và phát triển hạ tầng viễn thông hiện đại, an toàn, dung lượng lớn, tốc độ cao, vùng phủ dịch vụ rộng trên phạm vi toàn tỉnh. Ngay trong năm 2021 - 2022 hoàn thiện hạ tầng đường truyền internet cáp quang đến tất cả các thôn, bản, tổ dân phố; triển khai xây dựng và cung ứng dịch vụ 5G tại thành phố Tuyên Quang, các khu, cụm công nghiệp, các trường đại học, cao đẳng và trung tâm các huyện trong tỉnh. Đồng thời, tỉnh tiến hành ngầm hóa đường truyền internet cáp quang, bảo đảm văn minh đô thị, khắc phục hệ thống cáp quang như ma trận như hiện nay. Tỉnh xây dựng khung tham chiếu đô thị thông minh tỉnh Tuyên Quang; hoàn thành xây dựng cổng dữ liệu dùng chung tỉnh Tuyên Quang và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; hoàn thành xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh.

Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin được người dân và doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, bởi đây là yếu tố quan trọng để hình thành nền sản xuất hiện đại, tiết kiệm chi phí, tăng cường tính tương tác. Ông Nguyễn Đăng Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May Tuyên Quang LGG nhấn mạnh, trong điều kiện dịch bệnh nói chung và dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sự bất ổn của thị trường và biến đổi khí hậu ngày càng sâu sắc thì nền tảng công nghệ thông tin đã giúp doanh nghiệp duy trì mối quan hệ thường xuyên với các đối tác ở châu Âu và Mỹ thông qua hệ thống họp trực tuyến để ký kết các đơn hàng, bảo đảm ổn định việc làm cho người lao động. Năm 2020, công ty xuất khẩu 3 triệu sản phẩm sang thị trường này. Ông Nghĩa mong muốn trong thời gian tới, tỉnh đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ hơn, tốc độ đường truyền cao hơn, phủ sóng 5G trên diện rộng, bảo đảm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển.

Để bắt nhịp với sự phát triển chung, tỉnh xác định lấy công nghệ thông tin là khâu đột phá là hoàn toàn phù hợp, bảo đảm rút ngắn khoảng cách vùng miền, tạo tiền đề xây dựng nền sản xuất hiện đại, tăng năng suất lao động, mở ra cơ hội phát triển cho mỗi doanh nghiệp và người dân.
                                   

Thùy Linh

Tin cùng chuyên mục